Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Vòng quanh thế giới trong tiểu thuyết đồng tính nữ

Bạn biết bạn đã từng nghe lời than thở này. Ngay cả bạn có lẽ cũng đã nói với mình: "Tôi muốn đọc thêm tiểu thuyết đồng tính nữ, nhưng chẳng có thứ gì hay cả." Vấn đề duy nhất? Là đơn giản nó không phải vậy.
12 cuốn tiểu thuyết liệt kê dưới đây (theo trình tự ngày xuất bản) --tất cả đều ở ngoài Hoa Kỳ và được ấn hành vài thập niên trước-- bao gồm truyện tình cảm, bi kịch, trinh thám, và truyện cho tuổi mới lớn. Bất cứ lối dẫn truyện hay loại truyện nào bạn cảm thấy lôi cuốn, bạn sẽ tìm thấy ở đây, trong những cuốn sách viết thật hay. Chúng sẽ đưa bạn vòng quanh thế giới, từ Edinburgh đến Helsinki đến Toronto, New Delhi của nước Ấn và Sidney, Châu Úc.
Để làm ngắn danh sách này, đã có vài tiêu chuẩn phải thú thật là được áp dụng một cách võ đoán. Những cuốn tiểu thuyết này phải có một nhân vật chính là đồng tính nữ, ở đây cũng nên nói để định nghĩa cả "đồng tính nữ" lẫn "nhân vật chính" thật không dễ tí nào. Trong quá trình chọn lựa, tôi hoàn toàn không hề có ý lựa những quyển sách mới nhất hay nổi tiếng nhất của tác giả, do đó nhiều cuốn khá tiêu biểu của Sarah Waters và Jeanette Winterson đã bị bỏ lại để nhường chỗ cho những tác phẩm được ít biết đến hơn.
Bất chấp những tiêu chuẩn trên, thật đáng buồn là bảng danh sách vẫn chưa trọn vẹn, nhưng đó cũng là điểm chính. Thật ra có rất nhiều văn chương đồng tính nữ ngoài kia đang chờ bạn khám phá.
Trò Chơi Công Bằng (Fair Play)
Tove Jansson (1989) - Phần Lan

Fair Play by Tove Jansson
"Chỉ một điều... Đơn giản như vầy: không được mệt mỏi, không bao giờ đánh rơi sự thích thú, không bao giờ trở nên lãnh đạm -- để mất đi cái tò mò vô giá và bạn sẽ chết. Chỉ đơn giản như thế."
Trò Chơi Công Bằng là một quyển sách mỏng manh và đơn giản một cách dễ nhầm lẫn về hai người đàn bà ở Helsinki. Cuộc sống sẻ chia hằng ngày của họ trao đến độc giả một kiến thức đáng giá cả đời người về tình yêu và sự nghiệp.
Cuốn sách bao gồm một chuỗi hoạ tiết miêu tả Mari, nhà văn và minh họa gia, và Jonna, một nhà làm phim và hoạ sĩ. Phải nói rất ít sự kiện xảy ra trong sách: Chương một nói về sắp xếp lại những bức ảnh, chương kế xem phim. Nhưng nếu bạn chậm lại -- và không biết vì sao khi đọc cuốn sách, mình không thể kềm chế được mà chỉ chậm lại để trân trọng từng chữ được chọn lựa một cách kỹ càng -- bạn sẽ khám phá một câu chuyện tao nhã về làm thế nào những khoảnh khắc rất nhỏ bé của cuộc sống lại vén lên được những sự thật về nghệ thuật và quan hệ giữa con người.
Jansson nổi tiếng thế giới là nhà văn và minh họa gia cho sách nhi đồng đã viết cuốn Trò Chơi Công Bằng (một trong 11 quyển sách thành niên của bà) vào khoảng tuổi thất tuần, dựa vào mối quan hệ lâu dài của bà cùng một nữ hoạ sĩ tạo hình. Trong cuốn tiểu thuyết, Jonna và Mari gây vặt, tranh luận và -- thường qua những cái chạm nhỏ và ánh mắt liếc nhau -- để lộ tình yêu của họ cho đối phương trong khi cung cấp sự thấu hiểu về cuộc sống của người họa sĩ, những thỏa hiệp trong quan hệ và không gian mà tất cả chúng ta đều cần đến, trong công việc và cuộc sống riêng của mình.
Tinh nghịch lẫn suy tư, Trò Chơi Công Bằng là một cuốn tiểu thuyết trầm lặng nhưng sâu sắc đáng được đọc đi đọc lại nhiều lần.
Bốn Ngọn Gió (The Four Winds)
Gerd Brantenberg (1989) -- Na Uy, Tô Cách Lan

The Four Winds by Gerd Brantenberg
"Inger gập người nhìn kỹ bức ảnh và biết ngay cô gái vô danh người Tô Cách Lan trong tấm ảnh nhỏ xíu này sẽ là mối tai họa mới của cô."
Có lẽ vì đây là một tác phẩm chuyển dịch được bán do một nhà xuất bản nhỏ, Bốn Ngọn Gió (ít ra là ở Hoa Kỳ) không được biết đến nhiều như giá trị của nó. Được viết bởi một trong những nhà văn nữ quyền dẫn đầu ở Na Uy, cuốn tiểu thuyết là một câu truyện đậm nét khôi hài, sâu sắc và có tính tiểu sử về tuổi mới lớn (và lộ diện) vào thập niên 60 ở Na Uy.
Trong thời gian du học ở trọ một năm tại Edinburgh, và sau đó theo học ở trường đại học Olso, Inger Holm mắc phải một loạt mà cô gọi là "tai hoạ": "Lúc nào cũng vậy", cô nhận thấy, "một cô gái nào đó đi ngang làm đôi chân không còn tin cậy được". Những quan sát khôi hài của Inger và cách chơi chữ giảm bớt đi những chuỗi sự kiện cá nhân đau đớn đã xảy ra ngay giữa sự biến động đột ngột của xã hội và phong trào giải phóng đồng tính ở thập niên 60.
Câu chuyện của Brantenberg hay nhất ở những khoảnh khắc cay đắng ngọt bùi, chẳng hạn như khi Inger xem Khoảng Im (The Silence) của Ingmar Bergman, và lần đầu tiên nhìn thấy một người đàn bà công bố tình yêu cho một người đàn bà khác. Người bạn dị tính của Inger (một tai họa khác) mảy may không hề cảm động bởi cuốn phim. Nhưng Inger cảm giác được, và gợi nhắc chúng ta, sự quan trọng cá nhân và văn hoá của khoảnh khắc đó: "Cuối cùng, sự thật đã được nói -- trong một nơi hoàn toàn công cộng -- không có vụ người đàn bà vừa nói kia liền bỏ đi tự treo cổ. Chúa ơi, phải mất bao lâu mới được thế này!"
Những Người Đàn Bà Tơ Lụa (Women of the Silk)
Gail Tsukiyama (1991) -- Trung Hoa

Women of the Silk by Gail Tsukiyama
"Cô với sang và vòng tay mình quanh Lin, cảm giác một điều mà trước nay cô không hề biết, một chút nhen nhúm sợ hãi, và dần dần nhường chỗ cho khoảng khát khao".
Bối cảnh ở Trung Hoa vào đầu thế kỷ 20, Những Người Đàn Bà Tơ Lụa không chỉ tập trung về những gian truân sử tính đối diện với những người phụ nữ ở quốc gia này - dù đó là một phần của câu truyện - mà còn về sức chịu đựng, tình bạn và tính gan dạ của họ.
Cuốn sách lần theo Pei, một cô gái sinh ra ở vùng nông thôn Trung Hoa vào năm 1919 bị người cha độc tài gửi đi làm ở một xưởng lụa. Mới đầu cô bị hoảng sợ bởi cuộc sống đô thành, nơi cô sống trong một ngôi nhà dành cho nữ nhân công tơ lụa, Pei sau đó sớm tạo được một quan hệ gia đình với những người bạn đồng nghiệp và với bà dưỡng mẫu, người lo phần bao quát trong nhà. Quan hệ của Pei với một công nhân tên Lin khá thân mật, mặc dù trong sách (bao gồm đoạn trích bên trên) ám chỉ nhưng không bao giờ nói rõ họ là nhân tình.
Tsukiyama, người đoạt giải Thi Sĩ Hàn Lâm Viện Hoa Kỳ, tạo một điểm khá đặc sắc trong Những Người Đàn Bà Tơ Lụa, làm sống lại thời gian và nơi chốn mà không quá nặng tay về những mục tiêu nữ quyền của bà -- trong khi tạo ra những nhân vật ấn tượng, cá biệt, và đầy lôi cuốn.
Pei, cũng là nhân vật trong cuốn tiểu thuyết thứ hai của Tsukiyama, sẽ ở lại với bạn thật lâu sau khi bạn đã đọc xong quyển sách, cũng như cha mẹ cô, Lin và vài người đàn bà khác với cuộc sống xoay vòng quanh khu xưởng tơ lụa.
Chiếc Mặt Nạ của Khỉ (The Monkey's Mask)
Dorothy Porter (1994) -- Úc

The Monkey's Mask by Dorothy Porter
Làm sao tôi biết
nàng không còn yêu tôi?

dễ thôi
không chỉ ở những ngón tay vội vã
hay bao thường
nàng không chạm đến tôi

nó ở đôi vai chùng của nàng
ở khoảng phất phơ trong đối thoại

tôi quá dễ dãi
nàng không hề yêu tôi."
Điều gì làm Chiếc Mặt Nạ của Khỉ có sức mãnh liệt? Hãy lắng nghe Porter đã viết gì trong tập san Australian Humanities Review về sự đam mê bà đã đổ vào cuốn sách:
Tôi muốn những nguyên liệu bốc hơi thối của cái xấu lên tận thiên đàng. Tôi muốn pha làm tình đầy hình sắc. Tôi muốn sự biến thái rõ ràng. Tôi muốn một ngôn ngữ thối vữa. Tôi muốn cuộc giết người tanh tưởi. Tôi muốn đổ ra hết trái tim mình. Tôi muốn đái. Tôi muốn những người đồng tính nữ không tốt với nhau. Tôi muốn những người đàn ông dâm ô quyến rũ mà ngay cả các đồng tính nữ cũng muốn đ---. Tôi muốn nói rằng thi ca nước Úc là một cách chữa bi thảm cho chứng mất ngủ.
Đúng vậy, chữ T. Chỉ có điều đây không phải tập thơ, mà là một cuốn tiểu thuyết vần (sau này được chọn cho sân khấu và đài phát thanh, và một cuốn phim với nữ diễn viên Kelly McGillis). Hãy bỏ qua một bên những mong đợi của bạn, rồi bạn sẽ thấy câu truyện trinh thám này là một luồn chảy mạnh tim mạch rất dài và thỏa mãn khi Jill Fitzpatrick, một trinh thám tư đồng tính nữ chuyên hút thuốc, săn được kẻ sát nhân là một cô gái 19 tuổi tên Mickey. Có lẽ do sự mê hoặc tình dục của Mickey đã dẫn đến cái chết của cô -- nhưng điều đó không làm gì để ngăn trở Jill quan hệ thể xác với kẻ tình nghi trong vụ án.
Porter, một trong những nhà thơ nổi tiếng của Úc, đã nói: "Không có gì nóng bỏng hơn là một cuốn tiểu thuyết vần tuyệt hay". Đọc Chiếc Mặt Nạ của Khỉ, tìm phần trên cuốn sách mà tờ Thời Báo Luân Đôn đã gọi là tác phẩm hay nhất trong năm, rồi bạn sẽ thấy bà ta nói đúng.

Hoa Quỳnh Nở về Đêm (Cereus Blooms at Night)
Shani Mootoo (1996) -- Caribbean

Cereus Blooms at Night by Shani Mootoo
"Tôi tự hỏi có bao nhiêu người trong chúng ta, cảm thấy không an toàn và không được bảo vệ, cuối cùng một là bỏ chạy thật xa từ mọi thứ chúng ta biết và yêu thương, hai là ở lại và đơn giản hoá rồ. Hôm nay tôi đã quyết định rằng cả hai lựa chọn đều không hay cả."
Hoa Quỳnh Nở về Đêm do nữ đồng tính Shani Mootoo viết và là một tiểu thuyết đầu tay khá hay, một cuốn sách đáng được sánh với Thượng Đế của Loài Nhỏ Bé (The God of Small Things) Arundhati Roy và được Alice Munro ca ngợi là "câu truyện đầy huyền nhiệm".
Cuốn tiểu thuyến được kể dẫn bởi Tyler, một người nam y tá nữ tính, đôi khi hoán y sống ở khu phố Paradise trên hòn đảo tưởng tượng Caribbean của Lantanacamara. Khi Mala Ramchandin, một bà lão giết người được chở lại ngôi nhà tế bần nơi anh làm việc, không ai dám chạm bà ta ngoài Tyler, người cũng biết một đôi điều về cảm giác bị cô lập và sợ hãi vì khác biệt.
Dần dần Tyler tháo gỡ được cái bi kịch huyền bí, chất chồng nhiều thế hệ (bao gồm một cuộc tình đồng tính nữ lén lút) đã tiêu hủy Mala và gia đình. Câu chuyện của họ là một phần trong sự thám hiểm của Mootoo về sự cần thiết để chấp nhận những dị biệt và những âm vọng thương tâm khi chúng ta không thực hiện.
Quỵ Gối (Fall on Your Knees)
Ann-Marie MacDonald (1996) — Canada

Fall on Your Knees by Ann-Marie MacDonald
Tôi chưa bao giờ nghe ai nói chuyện hay chơi đàn như nàng nhưng rồi, khi nghe tiếng đàn của nàng, tôi cảm giác như mình đang được nghe nhạc lần đầu.
Được chọn vào Câu Lạc Bộ Sách của Oprah, Quỵ Gối là một cuốn tiểu thuyết sử thi về bí mật -- loại mà đưa bạn đến rượu chè, đàn điếm, bạo lực và ngay bờ vực thẳm. Và, khi bạn may mắn, đến một cuộc sống mới ở nơi nào khác.
Bốn chị em lớn lên vào đầu thập niên 1900 ở Cape Breton Island, xa một tí từ bờ Nova Scotia. Họ sống trong một khu thị trấn chuyên về hầm mỏ, nơi đó họ học những bài học tông truyền về yêu thương chúa và khiếp sợ người cha. Trong khi ngôi thị trấn vật vã đi qua thế chiến thứ 2, trận dịch cúm, vụ Đại Trầm Uất (Great Depression) và nhiều nữa, mấy chị em cũng vật vã (thường với tính khôi hài) qua những cơn đau và bạo hành khó thể tưởng tượng trong căn nhà hẻo lánh.
Khi một cô gái thoát đến thành phố New York, cô gặp được một mối tình đồng tính say đắm nhất của cuốn tiểu thuyết. Mặc dù nó chỉ dài 60 trong 500 trang của quyển sách, mối tình đồng tính cùng một cô gái khác màu da chiếm vai trò chính trong cốt truyện -- hai người đàn bà tài hoa, ngoan ngoạnh cho thấy điều gì có thể xảy ra khi con người có can đảm tiết lộ bí mật của mình.
Ở Nơi Khác, Không Phải Nơi Này (In Another Place, Not Here)
Dionne Brand (1996) -- Canada & Caribbean

In Another Place, Not Here by Dionne Brand
"Tôi rời bỏ mọi thứ vì Verlia. Tôi chìm vào Verlia và để xác thịt nàng nuốt chửng lấy mình. Tôi ngấu nghiến nàng. Nàng mở tôi ra như mọi buổi sớm."
Một Cuốn Sách Nổi Tiếng của Thời Báo New York, Ở Nơi Khác, Không Phải Nơi Này là một cuốn tiểu thuyết sẽ mê hoặc những ai bị lôi cuốn bởi thi ngữ của Brand, một giọng thơ mà đã sánh người nữ nhà văn đồng tính này với Michael Ondaatje và Toni Morrison.
Cuốn sách được chia làm hai giọng kể -- Elizeta và Verlia, hai người đàn bà hoàn toàn khác biệt, kể về những câu chuyện riêng rẽ nhưng lại quyện vào nhau của họ. Elizeta là một người đàn bà nghèo khổ đã từng trải qua cuộc sống của mình làm việc cho một đồng mía trên một hòn đảo vô danh ở Caribbean, luôn mơ ước được thoát khỏi để đến một đời sống tốt hơn. Elizeta có một cuộc tình ngắn ngủi với Verlia, một người đàn bà học thức đã rời bỏ cuộc sống hoạt động chính trị bên phe cánh tả ở Toronto, Canada, để quay về Caribbean là nơi sinh của cô, nơi mà cô hy vọng sẽ giúp tay tổ chức một cuộc cách mạng.
Tuyệt đẹp và ngập những hình bóng thật ám ảnh, cuốn tiểu thuyết của Brand sẽ là một quyển sách đáng đọc nhất cho những ai thích tháo gỡ những tác phẩm vô cùng thử thách.
Sự Thật hoặc Lời Hứa (Dare Truth or Promise)
Paula Boock (1997) - Tân Tây Lan

Dare Truth or Promise by Paula Boock
"Tôi yêu cô gái ấy, cô nghe câu nói vang trong đầu. Đó là sự thật, cô thấy rõ, như những điều mà mình không hề suy nghĩ, chỉ phát hiện là từ trước đến giờ chúng luôn tồn tại."
Người đoạt giải Sách Nhi Đồng trong Năm của tờ báo Tân Tây Lan, Sự Thật hoặc Lời Hứa là một lời gợi nhớ đến văn chương tuổi mới lớn có thể hay như thế nào, bất kể tiền đề của nó có quen thuộc ra sao.
Luisa "Louie" Angelo là một nữ diễn viên và hài kịch khá tự tin đến từ một gia đình trung lưu, sùng đạo. Cô yêu say đắm Willa, một người bạn học mới hãy còn đang vật vã với những ám ảnh của cuộc tình đồng tính nữ đầu đời. Mẹ của Willa đã chấp nhận thân phận đồng tính của người con gái, nhưng gia đình Louie bị sốc khi họ biết được cô con gái mình yêu người cùng giới. Khi người mẹ thủ cựu của Louie tìm mọi cách để chấm dứt mối quan hệ vừa chớm của con gái mình, thì một cuộc chia ly đau đớn và bi thảm xảy ra.
Boock là người có khiếu kể truyện, còn Louie và Willa là những nhân vật đáng nhớ --những người có một cuộc tình lôi cuốn và những gian truân, từ bên ngoài và nội tâm, đều đau đớn và rất thật.

Như (Like)
Ali Smith (1997) -- Tô Cách Lan, Anh

Like by Ali Smith
"Nó như, như -- tôi nói, rồi ngưng lại -- Tôi không thể nghĩ ra được nó như gì nữa, nó là quả tim của Amy, không giống thứ nào khác."
Hãy để cho Ali Smith, người lộ diện, cử tri của hai lần cho giải thưởng Booker, đập vỡ những quy luật về truyện tình đồng tính nữ. Bẫy cài ở đây: sự căng thẳng trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa hai thiếu nữ đến từ thế giới khác biệt (đô thị Anh quốc và đồng quê của Tô Cách Lan), những tán tỉnh ban đầu và sự chia ly ép buộc, và cuộc trùng phùng đầy căng thẳng sau thời gian dài chờ đợi. Điều vắng mặt ở câu truyện trữ tình đứt đoạn của Smith là một giải pháp rõ ràng.
Amy và đứa con gái 8 tuổi, Kate, dẫn phần mở đầu của cuốn tiểu thuyết, trong đó là một bí mật được mở dần về cuộc sống lưu động của họ ở Tô Cách Lan, và vì sao Amy vốn rất thông minh lại mù chữ. Khoảng nửa câu truyện, cuốn tiểu thuyết chuyển sang góc nhìn của Aisling (còn gọi là Ash). Những ghi chép trong nhật ký của cô cung cấp chi tiết trực tiếp hơn, nhưng không bao giờ hoàn toàn về mối quan hệ đứt đoạn và những âm vọng vô tận của hai người đàn bà.
Trong cuốn tiểu thuyết khó đọc này, sự thật khá mơ hồ, nhưng Kate, Amy và Ash - và dòng văn tuyệt vời, tinh nghịch từ một tác giả tài ba lỗi lạc - làm cho những thử thách trong truyện thật xứng đáng.
Những Người Con Gái của Jerusalem (Daughters of Jerusalem)
Charlotte Mendelson (2003) - Anh

Daughters of Jerusalem by Charlotte Mendelson
"Bối rối, cô bắt đầu khẽ cười vào gối, rồi không thể ngưng được. Cô, kẻ đã bắt đầu cảm thấy bị ruồi bâu bụi bám, được thương. Thương! Cô khịt cười qua cánh mũi vào lớp lông chim".
Có lẽ Charlotte Mendelson phải vui lắm khi viết cuốn tiểu thuyết đoạt giải này, quyển sách tôn vinh lẫn đùa cợt quê của bà, ngôi thị trấn ở vùng Bắc Oxford, thuộc nước Anh, nơi mà bà tả rằng "một xứ sở bị thời trang quên lãng".
Câu chuyện xoay quanh gia đình họ Lux. Victor, người cha, "kiểu đàn ông tóc đen dáng lưng tôm", một giáo sư vô cùng đơn điệu đến nỗi hoàn toàn không thấy được những căn bệnh trong gia đình. Jean, người mẹ, theo lời khen của Victor, "là người ít nhếch nhác so với những người đàn bà khác" ở Oxford. Họ cùng nhau nuôi lớn Eve, một thiếu nữ thông minh nhưng đầy ghen ghét, hận bản thân, hay tự cắt mình. Cô mơ được giết chết người em gái, Phoebe, một cô bé có nhan sắc và sự yêu chuộng của cha mẹ mà Eve khao khát.
Gần đây được nhà bán sách Anh Waterstone điểm vào 25 tác giả Anh có triển vọng nhất, Mendelson, một đồng tính nữ đã lộ diện, đã viết vài quyển sách mà lẽ ra có thể giới thiệu nơi này. Những Người Con Gái của Jerusalem là một cuốn tiểu thuyết đặc biệt khôi hài và duyên dáng minh hoạ phong cách của Mendelson, trong khi bà nghiên cứu những chức năng trong gia đình và tìm hiểu về sự xung đột giữa cái khát khao được thuộc vào ai đó và sự cần thiết để giải thoát vào vòng tay người đàn bà khác.
Babyji
Abha Dawesar (2005) - Ấn Độ

Babyji by Abha Dawesar
"Delhi trở nên tràn ngập trong vẻ đẹp run rẩy khi cơn gió nhẹ thổi qua hoặc khi tôi tìm thấy một đoá hoa hé nở. Mọi thứ chung quanh đều gợi tôi nghĩ đến hai người đàn bà tôi đã yêu."
Bạn nghĩ một đồng tính nữ 16 tuổi vào thập niên 80 ở New Delhi như thế nào? Ngập ngừng trong chuyện chăn gối, do dự, kín đáo? Nếu thế, Babyji là sự bất ngờ cho bạn đấy.
Anamika Sharma, phóng túng, khêu gợi, là một thiếu nữ cố tìm cách thoát khỏi sự thơ ngây bằng lao vào vòng tay của hầu hết tất cả những người đàn bà cô gặp. Trong một màn nóng bỏng, cô quyến rũ một phụ nữ ly dị chồng với tuổi tác lớn hơn khá nhiều, người hầu gái, và cô bạn học - còn dự tính quan hệ với một hay hai người khác. Trong khi tìm hiểu về những khao khát đồng tính của mình, cô cũng chạm đến vấn đề giai cấp và một chuỗi câu hỏi đầy triết lý.
Anamika, cô tự nhận, giống Humbert Humber hơn Lolita. Và như Ali Smith nói, Babyji -- quyển sách thắng giải Stonewall Book Award and Lambda Literary Award-- khá táo bạo như nhân vật của nó.
Mất và Được (Lost and Found)
Carolyn Parkhurst (2006) -- Ai Cập, Nhật, Thụy Sĩ, Anh, Ái Nhĩ Lan

Lost and Found by Carolyn Parkhurst
"...tôi không nghĩ rằng hễ lên một chương trình truyền hình thì có thể thay đổi cuộc đời của mình hay làm mình trở thành một người khác. Nhưng có những thứ ảnh hưởng chúng ta, phải không?... Có phải càng lạ lắm không nếu nghĩ rằng mình có thể học được điều gì mới trong một hoàn cảnh như thế này thay vì từ kinh nghiệm nào đó trong đời sống thật?"
Mất và Được là một quyển sách lôi cuốn, được kể do một nhóm nhân vật dí dỏm, thú vị cùng tranh đua trong một chương trình truyền hình thật (reality TV) giống như The Amazing Race.
Cuộc đua bao gồm hai cặp khá thú vị. Linda tham gia cùng người con gái 18 tuổi, Cassie, một cô gái đồng tính chưa hề nói với mẹ về sự lôi cuốn của mình với phái nữ, và cũng là người mà trong một năm trước đó, không hề nói với mẹ về bào thai của mình cho đến lúc sanh con.
Cuộc đua còn có một người đàn bà tên Abby đã trải qua chương trình "Chuộc Tội" để tống khứ những cảm giác đồng tính của mình. Cô tham gia cùng người chồng, một người đã tốt nghiệp lớp "Chuộc Tội" để vượt qua sự lôi cuốn của mình với phái nam.
Những câu chuyện này có lẽ hơi quá thống thiết, nhưng Parkhurst làm chúng ta quan tâm sâu sắc về tất cả các nhân vật trong khi họ cố thoát những con ma giữa cuộc đua vòng quanh thế giới. Mất và Được là một cuốn sách giải trí với nhiều điều để nói hơn... ừ... dĩ nhiên hơn bất kỳ reality TV show nào.
LeeAnn Kriegh
Vân Nghiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét