Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Tinh Thần Giáo Dục Trong Văn Hóa Việt Nam



Từ mấy thập niên nay, nền giáo dục trên toàn thế giới lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này có thể là sự tác hại của chiến tranh, của xung đột ý thức hệ, của trồi sụt kinh tế và đặc biệt là của những cuộc di cư tị nạn hàng loạt.
Vấn đề giáo dục là một vấn đề quan trọng vào bậc nhất bởi lẽ giáo dục gắn liền với văn hóa. Định nghĩa văn hóa sau đây cho ta thấy rõ điều đó: "Văn hóa là toàn bộ những giá trị mà người ta tuân thủ và vun trồng trong cuộc sống chung của một nhóm đoàn xã hội; là toàn bộ những giá trị mà một dân tộc truyền tiếp từ đời này qua đời nọ bằng giáo dục, văn chương và phong tục luật lệ." Như vậy, giáo dục là một phương thức căn bản để phổ biến và lưu truyền văn hóa. Nói bằng hình ảnh, giáo dục là chìếc xe chuyên chở văn hóa.
Vấn đề giáo dục là một vấn đề rộng lớn. Trong buổi nói chuyện hôm nay, tôi chỉ xin giới hạn đề tài vào trọng tâm của giáo dục là "tinh thần giáo dục" nhìn dưới góc cạnh văn hóa.
Nói tới giáo dục là nói tới học đường. Cũng như gia đình, học đường là một cơ cấu xã hội đòi hỏi sự chăm lo thường xuyên của mọi người, mọi nhà. Học đường là nơi mà các gia đình giao phó cho con em để được gây dựng ngõ hầu mai sau cung cấp cho xã hội. Tổ chức học đường có nét đặc thù khác với gia đình là: các thành viên của học đường (học trò cũng như thầy giáo) chỉ có tính cách phù động, nay đến mai đi, mà hình ảnh là dòng nước chảy qua cầu. Tuy những con nước có đổi thay nhưng dòng sông lại là trường cửu. Cây cầu là trường sở, nơi nương tựa vật chất và dòng nước kia chính là tinh thần giáo dục.
Trước khi đi sâu vào một số những vấn đề cấp bách của giáo dục liên quan tới mọi người Việt Nam chúng ta, tưởng cũng nên nhìn lại quá khứ để rút tỉa những kinh nghiệm của tiền nhân trong quan niệm cũng như tổ chức giáo dục.

I.


1. Vào những thời xa xưa, khi Nho học còn thịnh, có thể nói tổ chức học đường của ta rất là sơ khoáng. Công việc mở trường, kiếm thầy dạy học, tìm kinh sách phần lớn phó thác cho tư nhân. Các vị vua chúa chỉ lo toan một phần nhỏ:cắt đặt ở cấp huyện một viên giáo thụ hay huấn đạo, ở cấp tỉnh một viên đốc học để trông coi việc dạy dỗ cho toàn địa phương, và ở kinh đô lập Nhà Quốc tử giám cho các con cái của các vị quan chức và một số nhỏ dân chúng. Những học đường tượng trưng này chẳng thu nhận được bao nhiêu anh khóa. Trong tình trạng ấy, các gia đình khá giả phải tự mình nuôi một thầy đồ dạy học tại gia. Các gia đình trung lưu gom công góp sức nhau để nuôi chung một ông đồ. Các gia đình nghèo kể như vô phương, xin đi học ké. Chương trình giảng dạy xoay quanh mấy kho tứ thư, ngũ kinh, Khổng tử gia ngữ, Nam Bắc sử. Các bài sát hạch chỉ có mấy môn bất di bất dịch là thơ, phú, văn sách, kinh nghĩa. Và các khoa thi cũng chỉ được tổ chức thưa thớt ba năm một lần.
Mục đích gần kề của nền giáo dục bấy giờ là gì? Nói vắn tắt đó là để đào tạo các nhà nho có kiến thức và đức độ để ra giúp dân, giúp nước. Nhưng với câu châm ngôn "tiên học lễ hậu học văn", tiền nhân đã có lý khi đề cao đạo đức hơn là kiến thức. Cũng như bây giờ ta nói "Khoa học không lương tâm chỉ là bại hoại của tâm hồn".
Nhận xét tổng quát tổ chức học đường, chương trình giảng dạy và sát hạch, ta thấy quả là thô sơ, hạn hẹp. Lẽ ra công cuộc giáo dục phải là nhiệm vụ chính yếu của chính quyền, nam nữ phải được hưởng thụ đồng đều, toàn dân phải được chăm sóc tới một mức độ nào đó, nhất là chương trình học và thi phải đáp ứng những đòi hỏi, những nhu cầu phức tạp của quốc gia theo từng thời đại. Lối học ở học đường xưa quả là mắc phải cái bệnh "từ chương" như xưa nay ai cũng nhận thấy.
Tuy nhiên, đi sâu vào vấn đề hơn ta thấy: tổ chức học đường và chương trình giảng dạy là một chuyện, cái tinh thần giảng dạy của ông thầy và cái tinh thần hấp thụ của người học trò lại là chuyện khác. Tôi nghĩ cái tinh thần giáo dục cốt yếu là cái tinh thần học vấn của cả thầy lẫn trò: từ tài liệu giáo khoa đưa ra được những diễn giảng mới, những suy nghiệm vượt thoát, những đóng góp độc đáo, đầy sáng tạo tính bằng vào kinh nghiệm lịch sử và hướng theo tinh thần văn hóa dân tộc. Có thế giáo dục mới mở đường sang văn hóa mà nó là thừa sai.
Điều may mắn là ngoài một số nhà nho thiển cận, cổ hủ chỉ biết nô lệ sách vở, một số kẻ sĩ xu thời giá áo túi cơm, vẫn có đông đảo nhà nho chân chính, kẻ sĩ thức thời biết đem cái sở đắc từ sách vở ra mà suy luận, bổ khuyết, tu chính và sáng tạo rộng ra để làm nên cái học vấn của riêng mình mà cống hiến cho dân tộc. Nếu không có cái tinh thần học vấn đó thì ta đã không có một nền Việt học từ lâu đời và cũng rất đôn hậu. Chỉ kể công các nhà cựu học từ bảy trăm năm trở lại đây: Hàn Thuyên với chữ Nôm, Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu với môn Sử, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Ngô gia văn phái ... Và ta có cả một nền văn chương bác học bằng chữ nôm cực kỳ phồn thịnh mà đỉnh cao là Hoa Tiên, Chinh Phụ, Cung Oán và Đoạn Trường Tân Thanh.

2. Kịp khi nước ta bị Pháp đô hộ (giữa thế kỷ 19 - giữa thế kỷ 20) thì định chế học đường đã đổi thay sâu xa và toàn diện. Nền Tây học bắt đầu thay thế cho Nho học. Tổ chức học đường phong phú, quy củ và nền nếp hơn với đủ ba bậc: tiểu, trung và đại học. Chương trình học tập được mở rộng với nhiều môn học mới trong đó ta phải kể: khoa học thiên nhiên, vài khoa học ứng dụng và vài môn khoa học nhân văn. Tuy nhiên, những môn học mới này vẫn chưa đủ và chưa hẳn đã cập nhật hóa đối với Tây phương. Hơn nữa lối giảng dạy của giáo ban chọn lựa từ chính quốc Pháp vẫn còn nặng đầu óc thực dân.
Lúc này, các trường tư tiểu và trung học cũng có nhưng còn ít ỏi và phải theo sát quy chế và huấn thị của nhà nước nên cũng không gặt hái được kết quả tinh thần là bao, mặc dầu lúc này đã bắt đầu có lưa thưa các nhà Tây học thức giả nêu ra nhiều vấn đề mới mẻ thuộc cứu cánh của giáo dục.
Mục đích của nền Pháp học lúc này là đào tạo các công tư chức thuộc địa phục vụ mọi chính sách và quyền lợi của thực dân. Nếu bảo thời kỳ này là thời kỳ phối hợp Đông Tây thì không đúng. Cuộc gặp gỡ Âu Á đó đã hỏng từ gốc. Cuộc đối thoại đã chỉ diễn ra giữa những đối thoại viên không chân chính. Nói cho đúng hơn, đó là một cuộc độc thoại của lớp người chinh phục. Nhìn vào thực tế xã hội, người ta thấy đa số người theo Tây học là chỉ chạy theo bằng cấp và địa vị trong guồng máy chính quyền. Tinh thần nhồi sọ trong cái học cũng như thái độ quan liêu khi thành tài lại còn nặng nề hơn những thời đại trước.
Mặc dầu những tệ nạn vừa kể, lương tri dân tộc và truyền thống kẻ sĩ vẫn còn. Vượt lên trên những phương tiện giáo dục hạn chế vẫn có một số người nhìn xa trông rộng hơn là sách vở và ông thầy. Những phong trào cải cách xã hội công khai, những tổ chức hoạt động chính trị ngấm ngầm vẫn có một cách liên tục. Đó cũng là hiệu quả bên lề, tìm điều phải trong cái quấy, tìm cái đẹp trong cái xấu để bù đắp lại những tệ nạn mà người ta phải gánh chịu. Tiếc rằng những ưu điểm chống lại cái hư hỏng chưa đôn hậu đủ để dân ta qua khỏi được cái nạn độc tài cay đắng hơn của một đế quốc mới sau này. Cho nên lời than phiền về chung cục của nền Pháp học chính là sự thể sau đây: Chúng ta đã không được chuẩn bị đầy đủ để đương đầu với chủ nghĩa cộng sản.

II.


Chúng ta có nhiều điều để bàn thảo với nhau về hiện tình giáo dục Việt Nam bên kia cũng như bên đây Thái Bình Dương.

1. Ở miền Bắc nước ta từ sau 1954 và ở toàn cõi quốc gia sau 1975, đó là sự áp đặt một nền giáo dục rất giáo điều, nền giáo dục mác xít song song với văn hóa mác xít. Chưa có thời nào như thời này, kẻ cầm quyền lại nặng đầu óc phong kiến và đế quốc đến thế. Chính sách ngu dân của người cộng sản lại còn tệ hại hơn cả thời Pháp thuộc. Người ta đem lịch sử quốc gia ra viết lại theo ý muốn, bẻ cong cả những chân lý khoa học phổ thông cốt sao chứng minh cho cái toàn năng và tuyệt đối của chủ nghĩa Mác và chế độ cộng sản. Họ có biết đâu rằng nền khoa học của thế kỷ 20 này đã bỏ xa nền khoa học của thời Mác.
Cụ thể và trắng trợn, họ dạy cho học sinh từ sơ học trở đi: Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội; Trung là trung với đảng; Xã hội tốt đẹp chỉ từ khi có đảng; Bác Hồ là trên tất cả ... Ngay từ một đỉnh cao của trung ương đảng, nhà thơ Tố Hữu đã khóc Stalin thảm thiết và ca ngợi Mao Trạch Đông hết lời như thế nào, ai cũng biết. Hẳn các bạn còn nhớ Mao đã đánh giá trí thức không bằng cục phân. Cái gì khác ngoài chủ nghĩa Mác Lê đều là lạc hậu, là phản động cần phải tiêu diệt. Và tất cả mọi chuyện bên ngoài đều bị cắt xén, xuyên tạc hay dấu kín sau bức màn tre dầy đặc.
Cứ theo cách tổ chức học đường và đường lối giảng dạy và kiểm soát đó thì toàn thể quốc dân là học trò, chỉ có trung ương đảng là thầy giáo thôi. Tại sao nền giáo dục phi dân tộc, phản khoa học, gạt bỏ gia đình và hạ phóng tổ quốc đó vẫn kéo dài được nhiều thập niên? Xin nhắc nhở một trả lời căn bản: chế độ cộng sản sống nhờ sự dối trá và sự khủng bố.
Nói vắn tắt, mục đích giáo dục của cộng sản là biến toàn thể quốc dân thành những con người chỉ biết có tuân hành mọi mệnh lệnh của người lãnh đạo, hy sinh tất cả thậm chí tính mạnh cho đảng. Đó là một thứ tôn giáo cực đoan chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.
Ta hãy xem hậu quả trực tiếp của nền giáo dục đó như thế nào? Họ Hồ thường thuyết lý rằng "muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải đào tạo con người xã hội chủ nghĩa". Tiếc rằng thứ con người xã hội chủ nghĩa mà ông ước mơ, huấn luyện biết mấy cũng chẳng thành vì nó không những trái với lòng người mà lại còn trái với thực trạng xã hội. Nó đã mở đường cho sự nảy nở của những tệ đoan ít có trong các xã hội tự do: sự gian lận, sự dối trá, sự đút lót, sự cậy quyền cậy thế của khá nhiều người. Thâm chí chính quyền còn cho phép học viên lấy thời gian công tác để thay thế cho thời gian thực hiện học trình; điều đó càng khiến cho mức hiểu biết chuyên môn của các cán bộ xuống thấp một cách thê thảm. Mặc dầu vậy, đảng viên vẫn thừa hưởng mọi đặc quyền đặc lợi, bởi theo đảng thì "hồng" vẫn hơn "chuyên".
Sau khi chiếm được miền Nam nước ta năm 1975, cộng sản lại đem thực hiện y nguyên tổ chức học đường và tinh thần giáo dục mác xít như trên đây, ít nhất cũng cho tới năm năm gần đây, để rồi sau đó, nền giáo dục trong nước suy thoái thêm nữa cho đến nay đã lạc chủng và băng hoại hoàn toàn. Cái gọi là sự đổi mới từ 1987 tới nay chỉ đem lại thêm nhiều tệ nạn mới, khó lòng cứu chữa.
Nhưng rồi chung cục, trong cái đại họa của một nền giáo dục phục vụ văn hóa mác xít, người dân Việt vẫn ôm giữ được cái phúc của ông cha để lại, cho nên truyền thống dân tộc, cái tâm và cái thần, vẫn không mất. Phải nói rằng sự chống đối của đồng bào ta là miên tục, khi âm ỷ lúc công khai. Điển hình là những vụ Nhân văn Giai phẩm, vụ nổi dậy ở Nông Cống Thanh Hóa, vụ chống đối của những người miền Nam tập kết và vô số những vụ phản kháng lẻ tẻ khác, nhất là những chống đối mới khắp từ Nam chí Bắc, khiến nhà tù cộng sản lúc nào cũng chật ních và nghĩa địa người tù chống đối không thiếu những vong linh.
Nền giáo dục mác xít đã chỉ phá hoại được phần nông cạn và cái bề ngoài của con người. Âu đó cũng là lẽ sinh tử vậy. "Khôn thì sống, mống thì chết." Nói bằng kinh nghiệm sống: một chú bé 12 tuổi từ Bắc vào thăm họ hàng ở miền Nam năm 1975 đã khoe ầm ĩ cái điều khám phá của chú là: cộng sản nói thì không làm, mà đã làm thì không nói, những gì họ thuyết giảng, rêu rao ta cứ hiểu ngược lại là đúng.

2. Ở miền Nam, từ 1954 đến 1975, không có sự băng hoại giáo dục như ở miền Bắc. Mặc dầu nó có những khiếm khuyết, nhưng lại có những chinh phục và vẫn giữ được cái cốt cách là giáo dục và văn hóa của nó.
Trước hết, sự phát triển các cơ sở học đường về nhiều mặt là một điều trông thấy rõ. Mỗi tỉnh có một trường trung học, dăm bảy tỉnh gom lại có một trường đại học.
Về tinh thần giáo dục, một số những lý thuyết giáo dục đã được các thức giả nêu ra từ cuối thời kỳ trước, nay được đem ra bàn thảo thêm và cũng được thi triển phần nào. Người ta bỏ lối học từ chương, bỏ chính sách nhồi sọ. Người ta giảng dạy một mớ kiến thức tổng quát khá rộng rãi cho học viên. Trước hai mục đích cái đầu đầy và cái đầu xây dựng tốt, người ta chọn cái đầu xây dựng tốt. Tôi nhớ trong chương trình Triết học lớp 12, trước khi ghi chương trình học, có lời mở đầu dặn dò: làm cho học sinh nhận diện những vấn đề trọng đại của thời đại, cùng họ kiểm điểm các giải pháp đã được các thức giả đưa ra để họ tự do chọn lựa hoặc đưa ra giải pháp riêng nếu có. Đó chính là tinh thần dân chủ và tự do vậy.
Về nghi thức học đường, quan hệ gia đình/học đường, thầy/trò, bằng hữu với nhau, lối cư xử, nói năng đi đứng cũng vừa đủ mức cho cái uy thế của nhà trường, phát triển vừa tình vừa nghĩa giữa con người và con người. Sau này, với chiến tranh, thực tế đạo đức và xã hội có suy vi mà dẫn tới một số tệ nạn: trường học có chỗ trở thành nơi bán chữ, nơi cung cấp sĩ tử, rồi thiên vị, đút lót. Sau rốt, bởi vì tinh thần dân tộc, quốc gia, dân chủ, tự do không được chăm lo đủ mức ngay trong chương trình học tập, nên một số thanh niên vào đời hãy còn bỡ ngỡ và bị cám dỗ bởi nhiều thế lực. Và thế là chúng ta vẫn chưa được hoàn tất việc sửa soạn để đương đầu hữu hiệu với độc tài cộng sản.

3. Thế rồi biến cố 1975 lại đưa giáo dục miền Nam đến một đoạn đường mới, hoàn toàn khác lạ. Cái khó khăn nhất cho người Việt Nam hải ngoại chúng ta là "thiếu học đường riêng với chương trình và chính sách giáo dục riêng". Điều này hầu như bất khả kháng.
Do nỗ lực thường xuyên thỉnh cầu, tranh thủ và xây dựng của các nhà giáo Việt nam, của các hội đoàn tôn giáo, của các tổ chức văn hóa xã hội và của bao thức giả, ngày nay ta đã có được một số giờ Việt học tại trường địa phương và những lớp bổ túc của chính ta để dạy văn chương và văn hóa Việt nam. Mong rằng phương cách này sẽ còn gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa.
Con đường đi tới song song với những nỗ lực trên của mọi người chúng ta là phải phổ biến, xây dựng và phát triển một "tinh thần giáo dục Việt Nam nằm trong khuôn khổ của một tinh thần văn hóa Việt nam". Tinh thần đó, theo tôi nghĩ, là mấy điều chính yếu sau đây để bù đắp lại những gì không thuận hợp hoặc khiếm khuyết đối với ta trong nền giáo dục và văn hóa mà ta đang hưởng thụ.

1. Trước hết ta không nên theo đuổi quá đáng chủ thuyết thực dụng. Chủ thuyết này dễ làm cho con người khô cằn, kém nhân bản tính và vị ngã. Chuyên môn hóa quá mức dễ làm cho con người chỉ có cái đầu đầy mà không có cái đầu xây dựng tốt để nhận thức cho đủ và cho đúng và giải quyết những công việc của cộng đồng cho tốt đẹp. Kiến thức tổng quát rộng vẫn là một điều cần thiết.
2. Thứ đến, cần phải nâng cao uy quyền của gia đình và của học đường (cha mẹ và thầy giáo) đối với học trò và xã hội. Nền giáo dục gia đình nặng tình cảm hơn lý trí, từ ấu thơ và kéo dài trong đời người, rất là cần thiết cho sự gây dựng tâm hồn con em. Giáo dục học đường tuy nặng đường lý trí và kiến thức nhưng cũng vẫn duy trì, hỗ trợ và phát triển giáo dục tinh thần cho gia đình. Không ai chăm sóc con em cho bằng chính cha mẹ và thầy giáo.
3. Ta cũng cần phải nhân bản hóa phương tiện và cung cách giảng dạy của ông thầy, đừng biến họ thành những cái máy phát thanh và truyền hình, làm đúng bằng ấy cử chỉ, nói đúng bằng ấy lời không thừa không thiếu trong một thứ tự thời gian bất di dịch. Có thế mới phát triển được cái quan hệ nhân bản mà tạo nên tình nghĩa thầy trò.
4. Cũng cần phải làm thế nào để ngăn cha mẹ và thầy giáo bớt chạy theo vật chất mà sao lãng nhiệm vụ giáo dục toàn diện của con em mình. Ngược lại, cũng phải khuyên nhủ con em không nên lạm dụng những tự do quá mức của nơi cư ngụ mà làm tổn thương đến tình gia đình và nghĩa thầy trò.
5. Bởi lẽ khung cảnh xã hội và gia đình của người di cư có giới hạn, điều sau chót tôi nghĩ là: khuyến khích tuổi trẻ và tạo cơ hội cho họ thực hiện lấy một nền giáo dục tự mình hay sự tự giáo dục lấy mình. Cuộc sống với gia đình, cộng đồng và xã hội cung cấp cho ta đầy đủ mọi điều để cho ta suy nghĩ, học hỏi, lập kinh nghiệm và hành động. Với ý chí kiên cường và kiêu hãnh dân tộc, ta sẽ gặt hái được những kết quả không ngờ. Đó cũng là một thứ giáo dục ngoài học đường và hậu học đường vậy.

*


Để kết luận: giáo dục không phải chỉ giới hạn vào học đường, sách vở và ông thầy. Tinh thần giáo dục phần chính yếu là tùy thuộc nơi học trò. Người học trò phải biết nhìn xa, trông rộng, vượt lên trên sách vở, đi xa hơn ông thầy, nhận thức sâu xa và chính xác và đem cái sở học của mình biến thành sở dụng mà cống hiến cho dân tộc và nhân loại. Bài học văn hóa và giáo dục của ông cha ta là:
1. Học sách Tàu mà chẳng để thành người Tàu, học sách Tây mà không thành người Tây.
2. Do những ma sát lịch sử đau thương của một dân tộc luôn luôn bị đe dọa bởi nạn ngoại xâm của hơn một đế quốc, để sinh tồn và phát triển, dân tộc ta đã viên mãn một tinh thần văn hóa làm viên đá tảng cho tinh thần dân tộc: một mặt, sẵn sành đón nhận những tinh hoa của tư tưởng nhân loại từ mọi nơi, và mặt khác, đem điều sở đắc từ ngoài đồng hóa vào trong sở học của dân tộc theo điều kiện lịch sử và địa lý riêng của mình, nhờ đó sau nhiều lần bị ngoại bang đô hộ, cuối cùng ta vẫn phục hồi được chủ quyền độc lập của ta. Đó là một bài học quý giá, một thực bài chẳng phải một chiêu bài như cộng sản đã lợi dụng khi chỉ nói một đằng làm một nẻo.
Với các bạn trẻ hải ngoại, chỉ xin nhắc nhở vài điều thực tế gần kề: muốn là người Việt Nam, xin hãy trau dồi văn hóa Việt Nam, nói tiếng mẹ đẻ, học lịch sử và địa lý quốc gia, đọc văn chương Việt Nam và giữ gìn những phong tục tập quán quê nhà, nghi thức sống Việt Nam trong gia đình cũng như ngoài xã hội, trong những điều mà luật pháp địa phương không minh thị cấm đoán chúng ta.
Những thành công của các bạn về đường học vấn, bằng cấp ở các quốc gia tạm dung là điều rất đáng mừng và đáng kiêu hãnh cho mọi người Việt Nam. Nhưng điều đó chưa đủ. Các bạn còn phải gây dựng cho mình một tâm hồn và lối sống Việt Nam mới thực sự làm rạng danh dân tộc, để từ đó tiến lên mọi thăng hoa khác.
Nước mắt cha mẹ bao giờ cũng chảy xuôi. Chỉ mong các bạn hứng lấy trong lòng bàn tay những giọt lệ yêu thương đó!

Nguyễn Sỹ Tế

(Tiểu Luận Văn Hóa & Giáo Dục)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét