Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Cao Xuân Huy, Một Ngọn Gió Đã Bay Xa (*)

Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương.

Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.

Đối với trường hợp của Cao Xuân Huy, điều này hơi khó thực hiện. Thứ nhất, anh là một người bạn của tôi. Và cũng là bạn của nhiều người bạn khác của tôi nữa. Chúng tôi đã quá thân với nhau để có thể làm một sự tách bạch rạch ròi giữa con người và tác phẩm như thế. Thứ hai, cái câu “Văn là người” rất thích hợp trong trường hợp của Cao Xuân Huy. Văn cáchnhân cách của anh trộn lẫn vào nhau, nếu không muốn nói chúng là một. Ta không thể tách rời chúng ra khỏi nhau được.

Vậy, hãy để tôi nói, trước hết, về con người nhà văn của Cao Xuân Huy. Giữa những người bạn thân với nhau, anh Nguyễn Mộng Giác có những lúc nói đùa, “Cao Xuân Huy đúng là “nhảy dù” vào văn chương!”  Câu nói đó, dù sao, cũng có cái lý của nó. Tôi nhớ, một buổi sáng vào năm 1985, cách đây đúng 25 năm trước, chúng tôi, trong đó có các anh Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Bá Trạc, Hoàng Khởi Phong, Phạm Quốc Bảo, tôi, và một vài người bạn khác nữa, họp nhau ở nhà Cao Xuân Huy (lúc đó anh Nguyễn Mộng Giác và anh Hoàng Khởi Phong cũng cùng ở chung nhà với Cao Xuân Huy). Chúng tôi họp nhau ở đó và cùng quyết định sẽ ra một tờ báo mà sau này trở thành tờ Văn Học. Tất cả chúng tôi đều rất hăng hái trong dự án này. Nhà văn Cao Xuân Huy của chúng ta thì có thể nói là chỉ đứng ở ngoài. Lúc đó, hình như anh chưa có ý nghĩ gì về chuyện viết văn cả. Chưa nói đến chuyện sẽ trở thành một nhà văn. Dù sao, chỉ một thời gian ngắn sau, với sự thúc đẩy của một số bằng hữu—trong đó đặc biệt phải nói đến các anh Hoàng Khởi Phong và Nguyễn Mộng Giác, những người thấy được cái chất văn trong con người Cao Xuân Huy—, anh đã in quyển “Tháng Ba Gãy Súng”, kể về những ngày cuối của cuộc chiến, với tư cách là một chứng nhân trong cuộc. Một chứng nhân khoác trên mình bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến của Việt Nam Cộng Hoà. Cuốn sách ấy, từ đó trở đi, trở nên làm một với con người anh, vì nó phản ánh rất rõ thái độ thẳng thắn, trung thực, không huênh hoang tự mãn nhưng cũng không đớn hèn khiếp nhược, của một người lính, của những người lính, cho dù nằm ở phía thất trận, vẫn không đánh mất đi bản chất cao đẹp và sự bất khuất của mình. Và Cao Xuân Huy, từ đó, trở thành Cao-Xuân-Huy-Tháng-Ba-Gãy-Súng.   

Cuốn sách, cho dù có thành công ở một mức độ nào đó, dù sao, không thật là có tính cách văn chương. Bởi vì, trước hết Cao Xuân Huy không phải là người làm văn chương. Anh viết như sống. Viết để tiếp tục sống như một con người. Trong văn của Cao Xuân Huy, ngoài những mô tả rất sinh động về cuộc chiến, người đọc còn nghe được những mẩu đối thoại như được lẩy ra từ cuộc sống, từ cuộc chạm-mặt-tử-sinh mỗi ngày của những người lính tác chiến, hoặc những câu viết có xương có thịt, có mùi bom đạn, mùi của cuộc đời trần trụi không màu mè son phấn, những câu viết như lời kể của một con người đã cùng đồng đội mình xông pha trận mạc hằng ngày. Chẳng hạn như đoạn tả cảnh hai người bạn, trong chiến trận loạn lạc, bất ngờ gặp nhau:

          " (...) Minh nói với tôi:
          - Đụ mẹ, mày làm cái con cặc gì mà tới đây giờ này, vô đây phê                      pháo cái đã, mọi chuyện tính sau.

          Tôi theo Minh vào lều nhưng sốt ruột, lại hỏi:
          - Tao gặp đại đội trưởng mày đã, phê pháo mẹ gì.
          - Phê pháo đã mà, ổng đang bận.
          - Ủa, bộ mọi chuyện đại đội trưởng mày làm hết hả?
          - Đâu có, đại đội phó làm chứ.
          - Vậy ổng bận cái gì?
          - Bận tiếp khách.
          - Mẹ kiếp, té ra mày là đại đội trưởng à?
          - Chứ còn thằng con cặc nào vô đây! "

hoặc như những câu nói, câu kể trong một hồi ký khác về toàn bộ trận đánh Cửa Việt mà tác giả còn đang trong tiến trình hoàn thành:

          “May mà mặt trời ló ra trễ, chứ ló sớm là tụi tôi đi... ỉa.”,

hoặc  

          “Bộ đội đông hơn tụi tôi cả chục lần. Giờ này mà họ giở quẻ thì   thật là tụi tôi đi... đái.”

Nhưng, nói về cái ngôn ngữ sinh động của đối thoại lính tráng như vậy cũng đã đủ, bây giờ ta hãy đọc một đoạn khác trong Tháng Ba Gãy Súng. Tác giả tả cảnh quân đội Việt Nam Cộng Hòa trên đường rút quân từ miền Trung về phía Sài gòn, trong những ngày cuối của cuộc chiến:

          " (...) Lại có rất nhiều người tự tử. Bây giờ họ không tự tử từng người, từng cá nhân mà họ tự tử tập thể. Không rủ, không hẹn và          hầu như họ đều không quen biết nhau trước hoặc có quen biết đi           nữa, bạn bè đi nữa họ cũng không thể nhận ra nhau trước khi    cùng chết với nhau một lúc. Dòng người chúng tôi đang chạy,          một người tách ra ngồi lại trên cát, một người khác cũng tách   dòng người ra ngồi chung, người thứ ba, người thứ tư, người thứ        năm nhập bọn, họ ngồi tụm với nhau thành một vòng tròn nhỏ,    một quả lựu đạn nổ bung ở giữa.

          Dòng người chúng tôi tiếp tục chạy, lại một người tách ra ngồi   trên cát, lại người thứ hai, người thứ ba, người thứ tư... nhập bọn, lại tụm với nhau thành một vòng tròn nhỏ, lại một quả lựu đạn nổ bung ở giữa. (...)

          Tôi không thể nhớ để mà đếm nổi là đã có bao nhiêu quả lựu đạn         đã nổ ở giữa những vòng tròn người như vậy. Nhiều, thật nhiều     quả lựu đạn đã nổ.

          Chúng tôi vẫn cứ chạy, những người tự tử tập thể vẫn cứ tụm    thành những vòng tròn, quân đội Nhật năm 45 khi đầu hàng cũng   không thể nào hào hùng hơn thế này được. Lịch sử Việt Nam     chưa thấy viết một dòng nào về những cái chết hiên ngang của những thằng tốt đen như vậy, nhưng họ có đó, vẫn oai hùng khí      phách chấp nhận những cái chết vô danh như vậy.

          Chúng tôi vẫn cứ chạy, khi ngang qua những cái chốt của Việt   Cộng, những người bị bắn trúng vẫn cứ ngã, những người tự tử        vẫn cứ nổ lựu đạn. Ngoài biển vẫn có ánh đèn của những chiếc   tàu qua lại. (...) "

Những câu kể ấy rất sinh động và thật. Nó làm tôi nghĩ đến Henri Charrière, cha đẻ của cuốn “Papillon—Bướm Vượt Ngục”. Nó là cái ngôn ngữ sống. Dùng để kể lại một cuộc đời, một kinh nghiệm sinh tử. Nó thu hút người đọc chính ở nơi cái ma lực thu hút của sự kể lại ấy. Không hoa hoè, không son phấn. Nó chính là cuộc sống được tái hiện lại trong tác phẩm.

Dù sao, trong văn Cao Xuân Huy cũng có những đoạn đẹp và thơ. Và nó đẹp và thơ ngay ở chính cái hình ảnh, cái không khí buồn thảm và bi thương của cuộc chiến:

          Nửa đêm, trời lúc mưa, lúc tạnh, những làn hơi nước bốc lên     mù mù. Trời với đất làm như cũng đồng cảm với người. Mặt   trăng hạ tuần khi tỏ, khi mờ làm như lây với cái “Hồn tử sĩ gió ù           ù thổi / Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi / Chinh phu tử sĩ mấy           người / Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn. (...)”.  (trích Hồi ký đang   viết về trận Cửa Việt).

Hay:

          Trong đêm ngưng bắn đầu tiên đó, gió rít lên. Làm như là gió    không muốn ngưng chiến. Gió ở đâu mà nhiều đến thế. Hệt như        những oan hồn uổng tử do bom đạn của cả hai bên, ở dưới âm ty         hiện về than khóc cho hoà bình đến quá chậm. Gió luồn qua       những triền núi từ phía Tây, len lỏi giữa những thung lũng, quất      lên những ngọn đồi khiến cát bay mù mịt. (...)”.  (trích như trên).


                                                          *


Trong cuốn sách mới in, “Vài Mẩu Chuyện”, gồm một số truyện pha với ký được hư cấu hoá, Cao Xuân Huy lại cho người đọc thấy được rõ thêm cái phong cách của anh. Thẳng. Thật. Và đầy tình người.

Tất cả những câu chuyện đều ngắn. Đúng hơn, những câu chuyện ấy là ký. Một thứ ký được "hư cấu hóa". Đọc kỹ, người ta có thể nhìn thấy có những nhân vật trong truyện là những hóa thân của anh. Những hóa thân tội nghiệp. Tầm thường và khốn khổ hơn cả một con người tầm thường nhất. Những nhân vật khác là bạn bè, hoặc là những người lính, người dân bình thường. Họ cũng là những con người cùng khổ. Những con người, nam và nữ. Những ham muốn nhỏ bé. Những mảnh đời rách nát, chảy máu, khổ đau. Và qua những nhân vật ấy, những nhân vật trần trụi trong đời thường với một quả tim chân thật và ấm nóng tình người, tình đồng loại, ta thấy được bóng dáng thiết tha của con người.

Những câu truyện như những lát cắt từ đời sống. Những mảnh sống còn tươi roi rói, những đường gân sớ thịt của chúng vẫn còn máy đập. Chúng phản ánh những xót xa, đau đớn của cuộc đời, nhưng chúng cũng cho ta thấy sự tha thiết thương yêu con người của nhà văn. Đó là lòng nhân ái của ngòi bút. Ánh sáng trong truyện của Cao Xuân Huy tỏa ra từ chính những dòng chữ thiết tha và chân thật đó.

Trong truyện của Nhật Tiến, ta thấy nổi rõ lên điều này: sự nhân ái. Trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, ta cảm thấy những nét nhân bản lại có vẻ trỗi vượt hơn. Cho dù là nhiều chuyện của ông dùng ẩn dụ, ông vẫn chỉ thẳng được vào cái bản chất yếu đuối và đáng thương của con người, qua những hình ảnh, những câu truyện tưởng như là độc ác. Thật sự, đó cũng vẫn là một nét của lòng nhân ái. Nhân ái, ở đây, được hiểu theo ngữ nguyên, theo nghĩa gốc của từ. Nó chỉ có nghĩa giản dị là “lòng yêu thương con người”.

Một nhà văn thật sự là một người gắn bó với cuộc sống, với con người. Trái tim của ông ta nghe được và đập cùng một nhịp đập với trái tim của nhân loại, của cuộc đời. Chữ viết của ông ta là những dấu chỉ của nhịp đập đó. Trong nghĩa này, Cao Xuân Huy chính là một nhà văn đích thực. Trong cuộc chiến, anh yêu thương bạn bè, đồng đội, và anh có thể xả thân vì bạn bè và những người lính của mình. Nhưng đối với người lính cầm súng ở chiến tuyến bên kia, anh cũng có một tình yêu thương, một mối đồng cảm đầy tình người như thế. Trong truyện "Chờ Tôi Với..." (trích trong tập sách mới in của Cao Xuân Huy mang tên Vài Mẩu Chuyện, California: Văn Học, 2010), anh tả khung cảnh mặt trận Bắc-Nam lúc ngưng chiến vào tháng Giêng 1973:
         
          " (...) Tựa lưng vào thành giao thông hào, Toàn hồi hộp đợi lệnh          tấn công lần chót trước giờ ngưng bắn. Đã quá bốn giờ sáng, chỉ         còn vài tiếng đồng hồ nữa là đến giờ. Một cuộc ngưng bắn toàn           diện, chính thức được hai bên thỏa thuận và quốc tế công nhận           bằng   hiệp định Paris, và đã được thông báo, phổ biến trong      toàn quân. Tám giờ sáng, đúng tám giờ sáng ngày 28 tháng      Giêng năm 1973, cuộc chiến kéo dài gần hai chục năm chấm          dứt. Vĩnh viễn.         (...)

          Toàn đẩy đẩy cái mũ sắt của mình lên cao khỏi mô cát. Không có gì.

          Toàn ghếch đầu nhìn lên phía trước. Dãy đồi cát hình cánh cung          trước mặt Toàn đầy người. Tất cả đều đứng dưới giao thông          hào, chỉ lộ từ ngực trở lên.

          Toàn đứng hẳn dậy. Lính tráng chỉ đợi có thế, cũng đứng hẳn     lên. Tháo dây đạn, bỏ súng, bỏ mũ sắt xuống.

          Binh nhất Phước đen, một tên cao bồi khác của Toàn, vụt băng mình lao về phía trước. Toàn hốt hoảng ra lệnh cho lính ứng   chiến ngay lập tức, sợ có gì nguy hiểm cho Phước đen. Nhưng    không, những người bộ đội phía bên kia nhào lên khỏi giao   thông hào, ôm chầm lấy Phước đen. Phước đen móc trong túi ra          gói thuốc mời, mời, mời hết người này đến người khác.

          Lính hai bên ùa lên phía trước, ôm nhau hò hét:

          "Hết đánh nhau rồi! Hết chiến tranh rồi!"

          Những bộ quân phục rằn ri miền Nam trộn lẫn những bộ quân     phục cứt ngựa miền Bắc. Cố không khóc, nhưng nước mắt Toàn          cứ ứa ra, không kềm được. Nhưng việc gì phải kềm chứ! Toàn    mặc cho nước mắt trào ra.

          Có tiếng nghẹn ngào bên cạnh:

          "Anh khóc đấy à?"

          Toàn quay qua, một người bộ đội nước mắt cũng đang nhòe      nhoẹt. Chẳng nói chẳng rằng, cả hai ôm chầm lấy nhau...

          Toàn bảo lính buộc cờ vào những lùm dương thấp lè tè rải rác    quanh chỗ vừa chiếm được. Bắc quân ở tại chỗ nên có sẵn cây,       sẵn cột để cắm cờ.

          Có lá cờ buộc không kỹ rơi xuống cát, người bộ đội vỗ vỗ Toàn, chỉ:

          "Anh ơi, cờ của anh rơi kìa!"  (...)


Đây là một câu truyện thật đẹp được Cao Xuân Huy, người thật sự có mặt tại chỗ—nếu  ta không muốn nói rằng anh chính là nhân vật Toàn hóa thân vào truyện—kể lại. Sau đó, Toàn và anh bộ đội, như hai người bạn trẻ mới quen nhau, mới nhận ra nhau vì cùng có một quê hương, đã thi nhau nói, tha thiết kể cho nhau nghe về những tình cảm quê hương chân thật của mình. Họ kể về những kỷ niệm lúc bé và khi lớn lên, những thú vui thời thơ ấu... Rồi Toàn nhận thấy bên hông mũ cối của người bộ đội có "gắn tấm ảnh bẩn, vàng ố vì thời gian, chụp bán thân một người đàn bà luống tuổi vấn tóc trần."  Đó là tấm-ảnh-mẹ của người lính bên kia.

Nhưng sáng hôm sau, "cảnh mũ sắt, mũ cối quấn quít nhau chỉ còn là giấc mơ cũ."  Cuộc chiến lại trở lại căng thẳng sau một ngày ngơi nghỉ. Và sau đây là những hình ảnh cuối của câu truyện:

          "Khi địch tràn ngập, lưỡi lê và lựu đạn thay cho súng.

          Sau một lúc quần thảo bằng lưỡi lê, Toàn gập người, ngã chúi    xuống phía trước, mắt hoa đi, mũ sắt văng ra. Mất mũ là mất      mạng. Phản xạ tự nhiên của bản năng sinh tồn bật dậy, Toàn     nhoài người, vói tay về phía cái mũ. (...)

          Mắt Toàn dại đi, cái mũ trong tay không phải là mũ sắt, mà là   mũ cối. Trên cái mũ cối mà Toàn đã một lần nhìn thấy, những     hàng chữ viết tên các địa danh và ảnh người đàn bà vấn tóc trần         Hà Nội rõ lên rồi nhòa dần, nhòa dần. Tiếng gào thét giết chóc      vẫn vẳng vào tai cùng lúc loáng thoáng hình ảnh Toàn sánh vai        người bộ đội đồng hương lang thang bên hồ Hoàn Kiếm... Đột     nhiên, một tiếng gọi bật ra trong đầu Toàn "Anh bộ đội ơi, chờ tôi với..." "

Câu truyện có bi có hùng và tràn đầy cảm xúc. Đây không phải là một thứ cảm xúc sử thi thời Homère Hy Lạp cổ đại hay thời "La Chanson de Roland" đầu thế kỷ thứ XII của nước Pháp. Cũng không phải là một thứ cảm xúc tỉnh táo, một thứ "cảm xúc phẳng" thời hậu hiện đại mà người trong cuộc-cảm-xúc biết rằng mình đang xúc cảm. Đây là những cảm xúc thuần túy rất con người, ở mọi thời và mọi nơi, không mang nhãn hiệu và không chia biên giới. Nó không cường điệu, không nống lên, nhưng nó chính là một thứ tình cảm làm trái tim ta như muốn vỡ ra vừa vì đau buồn vừa vì hạnh phúc. Nó là một thứ cảm xúc thuần túy nhân loại, thuần túy con người.  Và, ở đây, đó là con người Việt Nam.


                                                          *


Cao Xuân Huy, qua những dòng chữ của mình, đã giúp chúng ta nhìn rõ hơn khuôn mặt của cuộc sống. Và giúp ta nghe rõ hơn những hơi thở và nhịp tim đập của nó. Đọc những người như thế, chúng ta hiểu cuộc sống và yêu thương nó thêm. Cho dù họ có làm cho chúng ta nhận diện rõ hơn những nỗi buồn đau, xót xa của chính mình, phản chiếu qua những trang văn của họ.

Những trang văn, dựng lên, như một chiếc nạng, giúp con người bước qua những vết thương của cuộc chiến. Và, cũng từ những trang văn đó, tôi như ngửi được mùi thơm của một ngọn gió lành, làm se lại một vết thương đau đớn cũ.

Xin cám ơn nhà văn Cao Xuân Huy và những trang viết rất chân thật và đầy tình người của anh.

Xin vĩnh biệt bạn.


Bùi Vĩnh Phúc
California, tháng XI, 2010

 __________________________________________________

(*)  Bài này được chuyển từ phần phát biểu của tác giả trong "Đêm Tương Trợ Cao Xuân Huy" do đài SBTN tại California và một số văn nghệ sĩ và thân hữu của CXH tổ chức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét