Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Phụ Nữ Việt Và Chiến Tranh

Ngày mồng 8 tháng 3 mỗi năm là ngày Phụ Nữ Quốc Tế. Trong ngày này người phụ nữ các nơi trên thế giới của mọi lãnh vực được ca tụng, vinh danh và cám ơn bằng những phương tiện khác nhau. Việt Nam đang trên đà tiến triển văn minh hội nhập, người phụ nữ trong một vài môi trường nào đó cũng đang được đề cao, tưởng thưởng. Nhưng đồng thời trong một góc khuất vắng mà rất gần với đời thường, một số phụ nữ Việt vẫn úp mặt vào hai bàn tay che khuất những tủi nhục của riêng mình.
"Trời ơi, đi chiến tranh đã làm tôi già nua đến thế nào!" Đó là tiếng than của một trong 500 phụ nữ ở Ninh Bình, những người đã tham gia ở trong cuộc chiến được gọi là "Chống Mỹ Cứu Nước."
"Tôi trở về sau chiến tranh, tôi tìm cho mình được một người yêu. Anh ấy muốn lấy tôi, nhưng cha mẹ anh ấy ngăn cản vì tôi là một phụ nữ bệnh hoạn yếu đuối, tôi sốt rét và suy dinh dưỡng, tôi cũng khuyên anh ấy chẳng nên lấy tôi, vì tôi nghĩ mình không có khả năng sinh đẻ nữa." (1)
Chiến tranh thực sự đã hủy diệt hết tuổi xuân của những nữ cán bộ miền Bắc (những người tải đạn, làm đường, tháo gỡ, phá mìn trong thời chiến) khi họ trở về từ mặt trận.
Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, họ chỉ còn là những thiếu phụ già nua, xác xơ bệnh tật ở tuổi 28-30. Họ tìm đâu ra một tình yêu, một người chồng?
Một số phụ nữ khác sau ba mươi năm đã quá 50 tuổi, thiếu thốn và mang trên người hai căn bệnh không bao giờ chữa hết: Sốt rét và suy dinh dưỡng. Họ sống cô đơn trong những ngôi làng nhỏ bé ở Quảng Bình, cả làng chỉ có người già, phụ nữ và trẻ nhỏ, không hề một bóng đàn ông, với cái tên làng đọc lên tất cả nỗi ngậm ngùi: "Làng Không Chồng" ( 2)

Năm 1975 những người chồng miền Nam bị lùa vào những trại tù dưới danh nghĩa "Cải Tạo." Họ là những người đã từng dùng cả một đời tuổi trẻ của mình để bảo vệ lãnh thổ niềm Nam Việt nam. Bây giờ dù họ còn ở lại Việt Nam hay đã ra nước ngoài sống thì những trang sử họ đã đóng góp vẫn không thể nào phía Bắc có thể xóa trắng được. Những người vợ của họ, có người chồng chết không được chôn, có người vì chính sự sống còn của chồng con, phải phụ chồng lấy cán bộ Bắc Việt, có người may hơn ôm con thủ tiết, có người ôm con lao vào biển. (Chồng đi tù về mới hay vợ con đang nhặt tự do dưới biển sâu.)
Người phụ nữ Việt ra khỏi nước, sống thong thả hơn về phương diện vật chất nhưng có rất nhiều người đã là nạn nhân đau khổ (hơn những người khác) trong cuộc chiến này. Họ bị bầm dập tâm hồn, thể xác. Cái hậu quả của những cuộc hải trình bi thảm đi tìm tự do luôn luôn là những tiếng kêu leng keng không nghỉ trong đầu họ như những chiếc phong linh treo trong đầu gió.
"Đã mấy chục năm, tôi không thể nào quên được chồng, em trai, em chồng tôi bị giết quăng xác xuống biển Đông. Tôi không thể nào quên được em gái tôi, em gái chồng tôi, tôi và mẹ chồng tôi đều bị hải tặc hiếp ngay trên sàn tầu. Chúng tôi sống sót, và chúng tôi tiếp tục sống. Con cháu chúng tôi trưởng thành và lập gia đình ở đây. Nhưng chúng tôi vẫn có mối tủi nhục trong hồn." (Nạn nhân hải tặc Thái Lan, 1979-1980.)
Hơn ba mươi năm sau, những người đàn bà này có thể đã sống trong những viện dưỡng lão ở Mỹ, ở Pháp hay ở bất cứ nơi nào không phải quê hương họ. Họ ngồi đó nhớ lại những bất hạnh đã trải qua, chấp nhận và im lặng. Họ đợi chờ từ giã cuộc đời và niềm đau sẽ được chôn theo đất, hay đốt thành tro, nhưng nhất định không bao giờ kể lại cho con, cháu. Họ sống can đảm và chết trong tự trọng. Giọt lệ nào nhỏ xuống cho những niềm đau cao cả của những phụ nữ này.

Những người phụ nữ Việt trong nước thì ngoài sự héo úa, thất vọng tinh thần, đời sống hàng ngày thiếu thốn làm cho họ thành những người đàn bà cay đắng.
Chúng tôi là những cô gái Trường Sơn
Tóc đã bạc và hồn đầy kỷ niệm
(Trần Thị Bình)
Có người đã vào chùa gửi đời mình dưới chân Phật. Năm 1980 thể chế nhà nước đổi mới chấp nhận cho những Người Mẹ Không Chồng, hai mẹ con cũng được coi như một gia đình, được cấp cho miếng ruộng để cấy cầy kiếm gạo ăn. Đã có hàng ngàn phụ nữ được hưởng thể chế này. Họ là những cựu chiến sĩ Trường Sơn, đã tham gia vào chiến dịch "Người chồng một đêm" trong thời chiến. Phải chăng trước cái tương lai thăm thẳm của ngày về không còn tuổi trẻ để hy vọng làm vợ, làm mẹ, trước cái thiếu thốn của âu yếm, mặn nồng trao xương gửi thịt hay chỉ thuần nhất muốn có đứa con để không phải cô đơn trong tuổi già? Họ đã làm "Người vợ một đêm" giữa những chặng đường máu lửa. Có lẽ cả hai.
Cơ Quan Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc - UNICEF (3) cho biết, ở Việt Nam đổ đồng, mỗi ngày có 7 phụ nữ mang thai, hay vừa sanh con thiệt mạng. Có 82 trẻ sơ sinh chết non. Chưa kể đến những trường hợp nạo hút hay phá thai. Hậu quả của chương trình Kế Hoạch Hóa Gia Đình, để thi hành chính sách cấm sinh đứa con thứ ba của nhà nước. Những người phụ nữ vẫn là những nạn nhân cho những vụ phá thai ở một bệnh viện miễn phí hay rẻ tiền.
Ở một số phụ nữ Việt khác trong nước, sinh ra và lớn lên sau 1975, cho đến lúc này, sau hơn ba mươi năm đất nước thanh bình vẫn tìm cách chạy ra khỏi nước bằng cái sức mạnh duy nhất mình có, cái sức mạnh dán nhãn hiệu "Đàn Bà". Họ tự nguyện đi tìm những cuộc hôn nhân ngàn dặm. Huyền Trân ngày trước đem về được hai châu Ô, Lý (Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm/ Một gái Huyền Trân đẹp mấy mươi.) Huyền Trân ngày nay đem về cho gia đình được mấy ngàn Mỹ kim; mà hầu hết bị lừa, thay vì làm vợ của một người chồng, họ làm nô lệ tình dục cho tất cả những người đàn ông trong gia đình đó, một số khác bị mua đi, bán lại nhiều lần.
Con số phụ nữ lấy chồng Đài Loan lên đến 60 ngàn người (4). Những dịch vụ môi giới hôn nhân đem đến một mớ (như mớ rau, mớ cá) phụ nữ Việt cho người đàn ông Đài Loan lựa mua. Ở làng quê phía nam Đài Loan những quảng cáo dán trên cột điện: "Cô dâu Việt Nam còn trinh. Nếu cô bỏ trốn được đền cô khác." (5)
Nhân phẩm của người phụ nữ bị hạ ngang hàng với hàng hóa và thú vật.
Hơn ba mươi năm sau, ở Việt Nam, những nạn nhân của thuốc khai quang Agent Orange vẫn còn kiện chính phủ Hoa Kỳ, đòi bồi thường cho những hình hài bị tàn phá và những hậu quả bởi chất độc của bột da cam gây ra: Những bà mẹ trẻ dị hình sinh ra những đứa con dị dạng, tâm thần.(6)
Ôi những người đàn bà trong chiến tranh! Những người đàn bà sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Đã bao nhiêu thế hệ qua đi, từ người bà, người mẹ, người dì, rồi đến chính mình, họ đã sống từng ngày vật vã với chiến tranh của cả hai phía. Tiếng khóc nhiều hơn nụ cười, chịu đựng nhiều hơn hưởng thụ. Hơn ba mươi năm rồi, người Việt của cả hai phía vẫn hô những khẩu hiệu đả đảo lẫn nhau, không ai nghĩ đến những người đàn bà này một cách cụ thể. Những người Việt hải ngoại theo chân nhau về nước chỉ chú tâm trợ giúp giáo dục, y tế cho thanh thiếu nữ. Không ai nghĩ đến việc băng bó vết thương tâm hồn của những phụ nữ lỡ thời này. Họ quá bận bịu lo cho tương lai của thế hệ trẻ mà quên bẵng mất những phụ nữ bất hạnh đang đi về phía mặt trời lặn. Ở miền Bắc hay ở miền Trung, những phụ nữ này cũng sống trong những thôn xóm nghèo nhất, xa thành phố. Hình bóng họ ngồi trước những ngôi nhà lụp xụp nhìn bâng quơ về một chốn vô định trong hoàng hôn là những bức vẽ tĩnh vật buồn, không ai muốn mua về trưng bầy trong những ngôi nhà mới.

Có phải ba mươi năm sau, hình như một điều mà chúng ta cần nhớ đến nhất thì chúng ta lại quên trước tiên: "Những người phụ nữ Việt đáng thương và đáng kính trọng của cả hai miền."

Trần Mộng Tú
Tháng Tư 2007
-----------------------
Ghi chú:
(1) LA Times/David Lamb phỏng vấn phụ nữ Việt trở về sau chiến tranh.
(2) Theo báo Thanh Niên
(3) UNICEF phổ biến ngày 7-4-05
(4) Zone-Thế Giới
(5) Zone-Thế Giới
(6) 79 triệu lít Agent Orange đã thả xuống trong thời gian 1961-1971 vào những khu rừng tình nghi là có Cộng Sản ẩn núp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét