Hướng về lời ru của một người mẹ Việt Nam như tìm lại cái bình an thời thơ ấu, ù ơ kể về những thăng trầm của sự trưởng thành từ những người nam đồng tính. Trong bài thơ đầu tiên, "Người Đàn Ông Tóc Rối", Quang Tuấn kể về cái khao khát thầm kín của một câu bé về một người đàn ông dân chài ở Sông Cửa Lấp. Là một người đọc văn chương Anh ngữ về đồng tính luyến ái trong các cộng đồng Á Châu (đa số đều chứa sự chia rẽ hay xung đột giữa bản năng giới tính và văn hóa mẹ đẻ), tôi rất trân trọng sự mở đầu của ù ơ ở chỗ tác giả đi thẳng vào nguồn gốc đồng tính của người Việt như một người cầm bút Việt Mỹ đi vào nguồn gốc Việt. Quang Tuấn mở đâu bài thơ: "Mặt trời chói đỏ như xối lửa xuống dòng Sông Cửa Lấp" (10) là một sự nhắc nhở sự gắn liền đồng tính với Việt Nam. Sự liên kết này phần lớn chỉ được thấy ở người đồng tính và bị bác bỏ, ruồng rẫy bởi phần đông số người dị tính.
Bài "dân chơi" nói về một khía cạnh sinh hoạt của những người đồng tính nam. Sinh hoạt ở đây bao gồm những động tĩnh trong tâm lý của họ. Cho dù chỉ đọc lướt qua, người đọc cũng bị vướng ở những mẩu đối thoại rời rạc, những câu giới thiệu có tính rất sự kiện về mỗi người thanh niên: "gặp việt nam thì 'tui là đoán với ngoại quốc thì 'i am johny'" (23). "[T]rên đường về" là sự chứng kiến của bà mẹ trước đứa con trai đi vào con đường ma túy; vật vã với con bệnh Si-Đa; đứa con trai bị hãm hiếp bởi những người đàn ông khác; đứa con trai bị tấn công từ những đứa con trai Việt khác trong phòng vệ sinh vì dưới lớp váy không phải là 1 đứa con gái, bị tấn công bởi những đứa con gái vì họ muốn chứng minh đứa con gái trước mặt họ là 1 thằng con trai.
Tương tự, hình ảnh bờ trong bài "bên ni bờ" nói về những người đồng tính nam và sự phản ứng của xã hội. Vai trò của một người đàn ông thực sự trong cái nhìn của xã hội Việt Nam bao gồm: sự tiếp xúc xác thịt với phái nữ, chơi những trò chơi tiêu biểu của phái nam (chẳng hạn, đá banh), sự anh dũng chiến đấu, v.v. Nếu những người đồng tính nam đi ngược lại với vai trò đã định cho họ, thì cái nam tính của họ trong mắt xã hội như thế nào? Quang Tuấn không trả lời câu hỏi này vì, theo tôi, tác giả cảm thấy không cần thiết. Ngược lại, cách phản ứng "đúng vậy, và nữa là, rồi sao?" tách người đọc ra khỏi chiếc hộp vuông gò bó vai trò của một người đàn ông: "chúng tôi chỉ là những đứa thích con trai/ đơn giản như hoa thích nắng" (50). Bờ chia ra những người "đàn ông thật sự" và "không thật sự", nhưng cũng có những người qua lại cả hai bờ: "... những thằng bạn chỉ uống nước được múc từ dòng sông sự thật ở cả hai bên bờ" (51).
Ngoài những điểm nói trên, ù ơ còn kể về những trăn trở của những mối tình trai. "Bình minh câm" nói về cuộc tình của một người đàn ông độc thân và một người đàn ông đã lập gia đình. "Quán gió" về một cuộc tình gặp khó khăn giữa hai người đàn ông..
.
Những bài trên chỉ là những trích dẫn cho nguyên tập ù ơ. Lối viết khác lạ của Lê Nghĩa Quang Tuấn dẫn người đọc không những vào thế giới bên ngoài mà còn vào cõi tâm linh của những người đồng tính/hoán tính nam. Mỗi bài thơ đòi hỏi người đọc bỏ thời gian và sự chú ý nhiều hơn so với các bài viết của những tác giả khác. Có những khoảng người đọc có cảm giác như tác giả đóng cửa bỏ vào trong ngồi một mình nói những suy tư chỉ có bản thân người nói mới hiểu được. Có lẽ vài độc giả sẽ cho đây những dòng chữ khó hiểu và có thể sẽ mất kiên nhẫn với những dòng chảy hôn mê; nhưng theo tôi, dù có những lúc hụt hẫng không rõ tác giả lại bỏ đi vào cõi suy tư nào, tôi cảm nhận được ù ơ là tiếng nói chân thật từ những người đồng/hoán tính nam mà tác giả đang chia sẻ.
Vân Nghiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét