Trang

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)

Thi sĩ là người ăn cắp lửa
 
Đi qua buổi chiều
những phân tử mùa thu tan, rã
mặc dầu giấc mơ chín, non
gió ngất từng chùm, cụt đầu
con nai chạy tìm bóng mình
truông cũ

đi qua tiếng hát
thôi hết còn gặp nhau[*]
nghe huyền thoại mưa, sấm, mẹ biển
và những vì sao hôm mất tăm dấu vết
để xuất hiện nơi hành tinh khác
sự sống không chấm dứt chỉ bắt đầu nơi hư vô

đi qua câu thơ
buồn
mặt trời cháy đen
vì mặt trời không bao giờ có thực
và, thi sĩ là người ăn cắp lửa
hắn đã đi hết một đêm hoang vu trên mặt đất
để trở về vực thẳm
như cánh bướm khơi, vơi
 

Lê Nguyên Tịnh

[*]Ca khúc “Thôi hết còn gặp nhau”, nhạc Jazzy Dạ Lam / thơ Phạm Công Thiện.
   

 

  
         
 

Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ… 

Hoàng Ngọc-Tuấn  /  Phạm Công Thiện
Một kỷ niệm với Phạm Công Thiện:

Phạm Công Thiện vừa nhẹ nhàng ra đi.

Dường như anh đã biết trước lúc ra đi, và trong ngày cuối cùng của cuộc đời, anh dặn gia đình đừng làm tang lễ rườm rà, chỉ hoả thiêu. Chiều cùng ngày, anh cảm thấy mệt dần, rồi anh bắt đầu nhập định, và nhẹ nhàng ra đi…

Mười sáu năm trước, vào mùa hè năm 1995, trong một quán cà-phê nhỏ ở Glebe, gần trung tâm thành phố Sydney, có lần anh nói với tôi rằng những chữ luôn chập chờn như cánh bướm trong ý nghĩ anh là “nhẹ nhàng”, “im lặng”, “hơi thở”… Anh nói năm 1985 anh đã viết ra điều đó trong truyện ngắn “Khi chiều tới gió reo trên lá rừng phong”, một thứ tự truyện, với đoạn mở đầu: “Bình thản, bình tĩnh, thanh thản, thanh bình, yên lặng, trầm tĩnh, trầm lặng, dịu dàng, nhẹ nhàng, ông tự lặp đi lặp lại trong đầu và tìm cho ra hết tất cả những chữ đồng nghĩa với chữ ‘Ruhe’, xe lửa bắt đầu chạy chậm lại và ông nói thầm: ‘Trên tất cả đỉnh cao…’“

Mùa hè năm 1995, tôi thường xuyên đi uống cà-phê với Phạm Công Thiện. Gần như ngày nào anh cũng gọi điện thoại rủ tôi đi Glebe. Tôi lái xe từ Yagoona đến vùng đồi Earlwood để đón anh. Từ hiên nhà anh nhìn xuống đồi, tôi thấy một dòng sông nhỏ yên lặng chảy qua. Tôi nói: “Chỗ ở này rất tuyệt cho một nhà thơ.” Anh nói: “Thực ra nhà thơ ở chỗ nào thì cũng tuyệt, nếu có một dòng sông nhẹ nhàng chảy bên trong…”

Một hôm đi uống cà-phê với anh, tôi mang theo cuốn Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất của anh. Giở sách ra, tôi tình cờ đọc chương 31. Đọc xong, tôi nói: “Chương này tuyệt đẹp. Thích nhất là câu cuối: ‘Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ…’“

Tôi đưa cuốn sách cho Phạm Công Thiện. Anh nói: “Chương này có thể đứng một mình như một tuỳ bút. Lấy câu ‘hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ…’ làm cái nhan đề…”

Nói xong, anh lấy cây bút ghi ngay lên khoảng giấy trắng trên đầu chương sách: hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ… Rồi anh ký tên Phạm Công Thiện, Glebe, 1995.    
    
Bây giờ anh đã nhẹ nhàng ra đi. Tôi vẫn thỉnh thoảng đến Glebe uống cà-phê, đọc sách. Tôi sẽ không còn bao giờ gặp lại anh lần nữa, nhưng từ quán cà-phê tôi sẽ dõi mắt nhìn ra thảm cỏ. Biết đâu, một hôm nào đó, tôi sẽ bất ngờ trông thấy một con bướm trắng tung tăng trên cỏ…

Hoàng Ngọc-Tuấn
Sydney, 10/3/2011
 
    
Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ…    
Phạm Công Thiện    

Mỗi lúc quên hết sáng tác và sáng tạo thì sáng tác và sáng tạo lại hiện đến. Không cần tìm cảm hứng thì lúc nào cảm hứng cũng xuất hiện, mỗi lúc quên mình và viết và vẽ và sống. Càng sáng tác thì càng xa lìa đời sống thường nhật, nhưng đó chỉ là giai đoạn đầu. Càng tiếp tục đi sâu vào chu kỳ bí ẩn của sáng tạo thì lại càng trở về khám phá lại đời sống thường nhật, càng yêu đời, tha thiết với cuộc đời tầm thường, tha thiết với cái chết tầm thường, ngay đến tất cả lo âu sợ hãi cũng trở thành thơ mộng cần thiết. Những cử chỉ nhỏ nhặt nhất của đời sống mỗi ngày biến chuyển thành ra phép lạ tuyệt vời. Thực ra, chỉ là gọi ép, chứ không có gì là sáng tác, sáng tạo hay cảm hứng. Mình không bao giờ là tác giả; mình chỉ thụ động mở lòng ra phơi phới để đón nhận những quà tặng của thần linh; thần linh có hay không có, chẳng đáng bận tâm.Thần linh là tất cả những gì xa lạ, vượt qua mình; những gì vượt qua mình và không phải thuộc về mình mới đích thực là mình. Càng cố gắng giữ lại thì càng mất; càng muốn đi tới một cái gì thì càng không tới cái gì cả. Càng chán đời thì càng yêu đời; càng yêu đời thì càng cảm tạ cuộc đời và cảm tạ nỗi chết. Mỗi lần tâm thức được chuyển hoá trọn vẹn thì tất cả nghịch cảnh khó khăn nhất đều là thuận cảnh đầy thần linh di động. Nó đang mở lòng phơi phới với gió, chim, đất, trời, chiêm bao và thực tại. Tất cả mọi sự đều có ý nghĩa, nếu mình không còn muốn gì nữa. Chỉ một ý tưởng thoáng qua cũng đủ đóng khép lại cả một thế giới, và một thế giới khác được mở ra huy hoàng với một ý tưởng sáng rực. Phải thường trực lưu ý rằng tâm thức mình trống trải và trống rỗng, vừa trống rỗng vừa sáng rực. Sự rực ngời của tâm thức là điều không thể tránh được; trong đêm tối hoang vu nhất của đời người vẫn rực sáng tâm thức bất động, tâm thức thuỷ tinh, tâm thức lưu ly. Tâm thức không là cái gì cả; đó là sức mạnh khủng khiếp của tâm thức. Tâm thức là hư vô mà không phải hư vô, hư không mà không phải hư không. Những lúc mình mất đất đứng và mất hết tất cả thì hư vô lộng hành. Sống với hư vô là điều kiện tối thiểu để chợt nhận ra rằng tất cả mọi sự đều thơ mộng và cần thiết. Chỗ đi tới của cuộc hành trình vô tận là mỗi bước chân; chuẩn bị lên đường là đã lên đường; chưa lên đường là đã lên đường. Phát bồ đề tâm là đã thực hiện bồ đề tâm. Thực sự muốn thành Phật thì tức nhiên đã thành Phật rồi; trong đời sống, rất ít ai thực sự muốn cho đúng nghĩa. Chỉ thực sự muốn cho đúng nghĩa là lúc nào tâm thức hoàn toàn trống rỗng và rực sáng; lúc ấy, đạt tới ý muốn hay không đạt được ý muốn bỗng trở thành phù phiếm, vì chính tâm thức cũng là phù phiếm, mộng, huyễn, dương diệm, ảnh, hoá… Bầy quạ đen bay vụt từ tâm thức. Tâm thức là hơi thở di động; hư vô đang thở trên trang giấy. Nó ngồi viết, không cố gắng, không mục đích, không ý nghĩa. Nó không đi tìm hạnh phúc. Nó đang ngồi thở thanh bình, thở im lặng, thở gió, thở trái đất. Hơi thở không thuộc về ai cả. Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ…

    
 

   
 


Ta sẽ hiện hồn

Ta sẽ hiện hồn
Ta sẽ hiện hồn về
Ta sẽ hiện hồn về trong đêm nay
Ta sẽ hiện hồn về ngay trong đêm nay để vặn cổ
Ta sẽ hiện hồn về ngay trong đêm nay để vặn cổ hết những đứa
Ta sẽ hiện hồn về ngay trong đêm nay để vặn cổ hết những đứa phạm công cúc hoa

Ta sẽ hiện hồn về ngay trong đêm nay để vặn cổ hết những đứa phạm công cúc hoa gọi ta là thần đồng
Không, ta sẽ hiện hồn về ngay trong đêm nay để kéo cẳng những đứa phạm công cúc hoa gọi ta là thiên tài
Ừ, ta sẽ hiện hồn về ngay trong đêm nay để thọt lét những đứa phạm công cúc hoa gọi ta là bồ tát

Thôi đi nghen
vì ta lỡ là con chó lạc [*]
con chó lạc sủa ủng oẳng
rồi ngủ mê bên hiên chiều nắng tàn

rồi không thèm dậy nữa


Thận Nhiên
 

Sg, 15/03/2011

_________________________
[*] “Lúc nào tôi chết, tôi chỉ muốn được người ta vùi thây tôi xuống bùn, và tôi muốn mọi người sẽ quên tôi đi, như quên một con chó lạc đường. Chỉ có thế thôi… Huy ạ…” — Phạm Công Thiện, Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (Saigon: An Tiêm, tái bản lần thứ ba), trang XXIV.

   
 

      

Tro
   
 
 
Tôi chưa từng gặp Phạm Công Thiện ngoài đời.    
Sáng nay, nghe dịch giả Đỗ Tư Nghĩa từ Đà Lạt gọi phôn báo tin Phạm Công Thiện vừa qua đời, tôi vào google tìm đọc tin.    
Việc không được gặp ông có khi là một cái may. May, tôi nghĩ, vì cái hình ảnh mà tôi chưa từng được gặp, có từ ông, sẽ còn đẹp mãi trong tôi.    
Đẹp qua những trang của cuốn sách nhỏ mà tôi mang theo trong cái túi xách bên mình, suốt một thời gian dài, chừng 5 năm, từ khoảng 1980, cuốn Mặt trời không bao giờ có thực.    
Tôi không nhớ là do đâu mà có cuốn sách ấy, và đã làm mất nó từ bao giờ, và vì sao mà mất.    
Cuốn sách nhỏ ấy là một người thầy, với riêng tôi. Nó dạy tuổi trẻ tôi những bài học làm sao sống đến cạn cùng sự chán chường, sự thơ mộng, sự rồ dại, sự khao khát, sự giận dữ, sự phóng thả, và quan trọng nhất là nó làm tôi “cháy”.    
Cháy âm ỉ, cháy bừng bừng, cháy lơi khơi nhẹ nhàng không chút lửa, rồi nguôi đi, nguội đi, rồi phừng phừng cháy lại, trong từng giai đoạn ngắn của đời mình.    
Có đêm tôi đã nằm ôm cuốn sách và muốn đốt rụi tất cả. Tất cả!     
*      
Tôi đọc lại một đoạn văn của ông:    
 “… 
 

Tai nạn lớn lao nhất trong đời tôi là phải chịu đoạ đầy làm thần đồng lúc còn thơ dại, rồi lúc lớn lên làm thanh niên thì phải chịu đoạ đầy làm thiên tài.

Bây giờ gần 30 tuổi thì tôi lại xuống núi (chứ không phải lên núi như Zarathustra) để làm nước chảy ồn ào trong những lỗ cống của cuộc đời.

Thực ra còn đến hai tháng nữa, tôi mới đúng 29 tuổi. Tôi cho phép tôi làm nước chảy trong cống rãnh trong thời gian một năm nữa thôi, từ 29 tuổi đến 30 tuổi.

Từ 30 tuổi trở đi cho đến 40 tuổi thì tôi sẽ không là tôi nữa. Đó là điều bí mật chỉ có tôi mới biết rõ vì sao tôi sẽ không là tôi nữa.

Từ 40 tuổi cho đến 50 tuổi, hư vô sẽ thổi trên mặt đất

Từ 50 tuổi cho đến 60 tuổi thì kỷ nguyên Tây lịch đã tới năm 2000.

Từ 60 tuổi cho đến 70 tuổi thì trái đất sẽ rất nhiều chim, những con chim biết nói tiếng Phạn.

Từ 70 tuổi cho đến 80 tuổi thì núi Hy mã lạp sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới.

Từ 80 tuổi cho đến 90 thì Thái Bình Dương sẽ trở thành nấm mồ chôn hết lục địa.

Từ 90 tuổi cho đến 100 thì mặt trời trở thành mặt trăng và mặt trăng trở thành địa cầu mới.”
     
Hôm qua, ông vừa qua đời, 71 tuổi, thì trái đất vẫn nhiều chim, nhưng chưa có một con chim nào biết nói tiếng Phạn cả.    
Hay tôi không nghe được thứ tiếng Phạn của loài chim ông nói tới, biết đâu?    
Chắc là vậy!    
*    
Tôi đọc thêm một lá thư ông viết, gửi cho một người tên Huy. Lúc đó, hẳn Huy là một người trẻ tuổi.    
Không dưng tôi thích chơi trò chơi như thế này: tôi chọn những dòng chữ mà mình thích, trong lá thư, rồi cắt dán, sắp đặt lại, và đọc như một bài thơ. 
    
 Bài thơ về cái chết   
 “…   
và suốt đời,
tôi chỉ mong được chết
tàn lụi
trong một xó xỉnh nào đó
chẳng cần ai hay biết

Tôi rất yêu những đoá hoa chóng tàn
Hoa càng mau tàn thì lại càng đẹp
Tôi rất ghét những bông hoa nở lâu
Lạy trời cho những ngày vui qua thật mau
Cho tuổi trẻ chóng tàn
Và những người con gái chết lúc hãy còn xuân đẹp…

Người ta sống,
đều cần phải đi về một nơi nhất định
Riêng tôi,
thì chẳng cần về đâu cả

Hãy vùi thây tôi xuống bùn
Hãy quên tôi đi
Hãy quên tôi đi
Như quên một con chó lạc
Chỉ vậy thôi

Tôi không còn than thở
Tôi không còn đau khổ
Bây giờ
tôi là kẻ sung sướng nhất trần gian
Tôi cười cả khi tôi đang ngủ
Tôi không còn tiếc thương dĩ vãng

Mỗi ngày,
tôi đều sống với sự chết trên đôi mắt tôi
Tôi yêu sự chết
Tôi đã “làm ái tình”
với cái chết
Chính sự chết đã làm cuộc đời trở nên đẹp
Đẹp như một đoá phù dung
chóng tàn

Vì tôi yêu sự chết
nên tôi yêu cuộc đời ngây ngất

Và rồi đây,
chúng mình sẽ chết âm thầm
không cần ai hay biết…

Ừ, những ngày vui qua mau!
Con người hạnh phúc nhất
là con người
tuyệt vọng …”  

    
 
Có thể ông không thích trò chơi này.    
Nhưng kệ.     
*     
Đêm qua, tôi đi lễ ở một nhà thờ ở Sài Gòn, lễ Tro.    
Sáng nay, tôi ngậm một miệng tro.    
Chắc ngụm tro trong miệng tôi có từ lửa, của một thứ mặt trời.
   
  
THẬN NHIÊN
Sg, 10/03/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét