Trang

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Sự thật tương đối của lịch sử - Đọc “Trăng huyết” của Anthony Grey và Nguyễn Ước


Hoàng Khởi Phong

1. Ðối với các học giả và các nhà nghiên cứu lịch sử và chiến tranh Việt Nam, trong các thư viện người ta có thể tìm thấy hàng ngàn tác phẩm được nhìn bởi nhiều góc độ, của những tác giả Pháp, Mỹ, Anh, Trung Hoa, Nhật Bản, và tất nhiên không thể thiếu của những tác giả Việt Nam đóng góp cách nhìn của mình vào ngay những dòng máu của người đồng chủng, mà có thể chính những tác giả người Việt cũng như những tác giả ngoại quốc ấy đều đã can dự không ít vào việc khơi cho những dòng máu này chẩy mạnh hơn, lớn hơn hoặc làm cho chúng bớt gia tăng cường độ.
Về phía các tác giả người Việt, tôi muốn nói tới các hồi ký chính trị của những người từng ngự trị trên đỉnh quyền lực của hai miền Nam và Bắc, những lãnh tụ của phía cộng sản, hay những chính trị gia của miền Nam... Tất nhiên những hồi ký chính trị của các tác giả Việt Nam được viết bởi hai động lực tâm lý chính, nhất là sau năm 1975 khi miền Nam sụp đổ, đã khiến cho các tác giả xuất thân từ phía miền Bắc như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Trần Văn Trà... cùng hàng trăm tác giả khác tha hồ thêu dệt, tô điểm cho chiến thắng của miền Bắc bằng những chiến công được dựng lên bởi những con người đúc bằng sắt bằng thép với trí tuệ cao vời tưởng chừng như những con người này chỉ có thể hiện diện trong các truyện thần thoại. Ðó là chưa nói tới các tác phẩm của Hồ Chí Minh, được viết từ trước khi chiến tranh chấm dứt, vì ông từ trần vào năm 1969. Chỉ có điều cần nhắc lại là chính ông đã dùng một cái tên khác, để viết sách tự ca tụng mình. Trong khi đó các hồi ký của những tác giả xuất thân từ phía miền Nam thì dường như được viết ra chỉ nhằm để phân bua với mọi người rằng mình không có lỗi, rằng mình không mang chút trách nhiệm nào trong việc miền Nam thất thủ, và rằng miền Nam mất là vì bị người Mỹ bỏ rơi, hay vì lỗi của những kẻ khác. Hầu như các tác giả xuất thân ở phía miền Nam không một ai thành khẩn đấm vào ngực mình để nói lên phần nào trách nhiệm của chính mình, nhận một phần lỗi lầm, dù thật nhỏ, trong việc thất trận của miền Nam. Kể từ năm 1975 tới nay, các tướng lãnh của miền Nam từng ngự trên đỉnh cao quyền lực như Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Ðức Thắng... đã khóa miệng mình thật chặt, trong khi vài tướng lãnh khác như Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi, Trần Văn Ðôn... dùng những cuốn sách đầu Ngô mình Sở của họ để đổ lỗi cho người khác. Bên cạnh những cuốn sách ấy còn có hồi ký của những tác giả đã thật sự chiến đấu ngoài mặt trận nhưng phần lớn họ là những sĩ quan trung cấp nên dù có muốn nhận trách nhiệm của mình trước lịch sử cũng không ở trong các vị trí đủ cao để gánh vác toàn bộ trách nhiệm, tựa như tín hữu công giáo thường thầm nhủ mình trong nhà thờ mỗi khi xưng tội rằng: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.
Về những cuốn sách của người nước ngoài, trước tiên ta có thể thấy một điều là các tác giả Pháp, Mỹ, Anh, Trung Hoa, Nhật Bản dường như viết chỉ để giải thích, phân tích và biện hộ cho nguyên nhân và bản chất sự dính líu của quốc gia họ vào chiến tranh Việt Nam mà họ cho rằng đó hoàn toàn vì những lý tưởng cao cả. Hầu như hiếm có tác giả người Pháp nào quy trách nhiệm việc gây ra chiến tranh Việt-Pháp là do chính bởi người Pháp xâm lăng Việt Nam và cai trị Việt Nam một cách tệ hại. Hầu như không một tác giả Pháp nào khởi đi từ cái gốc của trận chiến, mà chỉ nói tới cái ngọn của nó, ở Ðiện Biên Phủ. Các tác giả người Mỹ cũng chẳng hơn gì. Cái gốc mà họ khởi đi là sự hiện diện của quân Mỹ ở Việt Nam, nhằm giúp người Việt ngăn chặn cộng sản, để rồi họ lúng túng giải thích chương trình Việt Nam hóa chiến tranh dưới thời Nixon, và sau cùng là những tranh cãi về hồi đại kết cục của cuộc chiến, về nguyên nhân thất bại của miền Nam mà họ cho rằng vì đã không chiến đấu hết sức để tự cứu mình nên không thể trông mong một nước bạn nào có thể cứu giùm. Và hầu như cũng ít có tác giả người Mỹ nào thật sự viết về cung cách người Mỹ hành xử như chủ nhân của vùng đất mà họ hiện diện để tham chiến trong tư cách của một đồng minh. Cách cư xử ấy của người Mỹ đối với người Việt cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chiến tranh có cớ để lan rộng.
Hàng ngàn cuốn sách viết về Việt Nam như thế đã khiến cho bất cứ nhà nghiên cứu hoặc học giả nào cũng không tránh khỏi nhiều lần lúng túng khi đem một sự kiện đối chiếu với nhiều tác giả khác nhau, dưới những góc độ khác nhau. Có thể nói không một cuốn sách nào viết về lịch sử và chiến tranh Việt Nam được coi là hoàn hảo vì không thể nào có một sự thật trọn vẹn cho chiến tranh Việt Nam, dù được nhìn vô tư tới đâu chăng nữa, dưới bất cứ một góc cạnh nào đi nữa.

2.
Là một người đọc bình thường, tôi vô cùng cám ơn Anthony Grey trong nguyên bản Saigon và Nguyễn Ước trong Trăng huyết. Như tôi đã trình bầy ở đoạn trên, không thể tìm thấy sự thật tuyệt đối của lịch sử Việt Nam nơi các tác phẩm nghiên cứu của các học giả cũng như nơi các cuốn hồi ký của những người từng thao túng vận mệnh Việt Nam trong suốt thế kỷ 20. Tuy thế, người đọc có thể đi tìm những sự thật tương đối của lịch sử nơi một tác phẩm văn chương. Tác phẩm văn chương đó chính là Saigon của Anthony Grey, và đặc biệt là Trăng huyết với phần đóng góp của Nguyễn Ước vào tác phẩm gốc Saigon. Chính trong hai tác phẩm ấy người ta thấy được trong thế kỷ vừa qua, không một dân tộc nào chịu đau khổ vì chiến tranh nhiều tới độ như dân tộc Việt Nam đã chịu.
Thử kiểm điểm lại những cuộc chiến mà người Việt phải hứng chịu trong thế kỷ 20: Ðể giành quyền sống dưới ánh mặt trời, dân tộc Việt phải đứng lên hất đổ ách đô hộ của người Pháp. Suốt một thế kỷ ròng rã, máu của dân Việt đã chảy lênh láng trên núi trong rừng, xác của người Việt đã trôi đầy sông ra tới biển để rồi năm 1954, trước khi người Pháp xuống tầu về nước, họ đã để lại một vết dao cắt đứt ngang mình nước Việt. Ðể hàn gắn vết thương ấy, dân Việt khai diễn một cuộc chiến khác giữa miền Bắc được chống lưng bởi thế giới cộng sản với đối thủ miền Nam được hậu thuẫn bởi khối tư bản.
Hai thế kỷ trước đó, nước Việt cũng đã một lần bị chia hai, nhưng chiến tranh Trịnh Nguyễn chỉ là tranh chấp giữa nội bộ dân tộc vì thế nó không thể tàn nhẫn, khốc liệt và chết chóc nhiều tới độ như cuộc chiến Nam Bắc vừa qua, với những thế lực ngoại cường thúc đẩy phía sau lưng của hai nửa phần dân tộc. Cuộc nội chiến trước kia chỉ là huynh đệ tương tàn với cung tên giáo mác, thế mà xương đã cao thành gò, máu đã chẩy thành suối. Với cuộc nội chiến thứ hai thì bên cạnh những tranh chấp nội bộ của dân Việt, các cường quốc Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Hoa đã ấn vào tay người Việt vô vàn bom đạn nên máu chẩy thành sông và xương chất cao thành núi. Cái nọc của chiến tranh trong lòng dân Việt là phải thu hồi quyền tự quyết cho dân tộc, phải giành lấy chỗ đứng cho mình trong cộng đồng nhân loại.
Chính vì vậy gia tộc Ngô Văn Lộc, từ thế hệ này tiếp thế hệ khác, bằng mọi giá phải tham gia vào cuộc chiến đấu giải phóng quê hương. Chính vì thế hai cha con Ngô Văn Lộc và Ngô Văn Ðồng khởi đầu theo Việt Nam Quốc Dân Ðảng, nhưng khi VNQDÐ mất đi uy thế ban đầu, cả gia tộc ấy đã đã không ngần ngại đứng chung hàng ngũ với cộng sản. Cuối cùng, khi cậu bé Ngô Văn Kiệt chết trong khuôn viên tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào năm 1968, tuy là một đặc công Việt Cộng, nhưng cậu đã bó sát thân thể mình, bên trong bộ quần áo MTGPMN, là lá cờ VNQDÐ nguyên thủy mà người cha Ngô Văn Ðồng và ông nội Ngô Văn Lộc đã tôn thờ, chứ không phải là lá cờ của cộng sản.
Chính vì phải thu hồi độc lập cho tổ quốc mà Ðào Văn Lật đã không ngần ngại cắt cụt một phần thân thể của mình, chỉ vì tin rằng sau khi phế bỏ nó, anh không còn bị chi phối bởi tình yêu nam nữ, và như thế có thể dồn toàn tâm, toàn trí vào cuộc chiến đấu.
Chính vì muốn lấy lại giang sơn trong tay người Pháp mà Trần Văn Kim đã quay lưng lại với cha và anh, là những quan lại của Nam Triều. Ðể không bị chi phối bởi những vướng bận gia đình, Trần Văn Kim chấp nhận sống một cuộc đời độc thân trơ trọi hầu có thể yên tâm chiến đấu dưới ngọn cờ giải phóng. Nhưng rút cục, sau hơn ba chục năm cống hiến toàn bộ tâm trí cho cuộc chiến đấu, trong những tình cờ của lịch sử, Trần Văn Kim và người anh ruột Trần Văn Tâm lại cùng hiện diện trong hòa đàm Ba Lê, nhưng ở hai vị trí đối mặt nhau nơi bàn hội nghị, như hơn ba chục năm trước dưới mái ấm gia đình, Trần Văn Kim từng đối đầu với cha sinh ra mình là Trần Văn Hiếu, cũng như với Trần Văn Tâm, vì chính sách cai trị của người Pháp. Ở bên ngoài hội nghị, Trần Văn Kim lén đi gặp lại người anh ruột ấy sau hơn ba chục năm xa cách. Chỉ vì vài phút yếu lòng ấy mà Trần Văn Kim đã tạo thêm cớ cho những người đồng chí trừ khử mình. Khi bị thanh trừng, Kim là một trong những lãnh tụ hàng đầu của cộng sản, và là người thân tín của Hồ Chí Minh; tuy kế thừa chủ trương của Hồ là đứng giữa những tranh chấp của Nga Hoa anh lại bị kết tội là hữu khuynh, và bị thanh toán bởi những người cộng sản hiếu chiến và cuồng tín.
Những trận chiến tôi vừa nêu là những trận chiến chính của dân Việt, chưa nói tới những trận chiến lẻ tẻ giữa người Việt với người Anh và người Nhật, trong giai đoạn tàn cuộc đệ nhị thế chiến, cũng như hai trận chiến xẩy ra sau năm 1975 nơi biên giới Hoa Việt phía Bắc, và nơi biên giới Miên Việt phía Nam.
Trong thế kỷ 20 vừa qua dân tộc Việt quả là người bạn đồng hành với chiến tranh, đến độ nhiều thế hệ trẻ thơ Việt Nam đã biết đến súng đạn ngay từ khi vừa thôi núm vú mẹ. Khi những thế hệ trẻ thơ Việt Nam này lớn lên thì nhận lãnh những vũ khí giết người, không kém gì việc nhận những món đồ chơi mới lạ như trẻ thơ các nước khác.

3.
Là một nhà văn không được đào tạo bởi trường ốc, tôi ngưỡng mộ các đóng góp của Anthony Grey và Nguyễn Ước. Cung cách tiếp cận sự thật lịch sử của Anthony Grey trong tác phẩm Saigon quả là điểm son cho tôi học hỏi. Ðể viết cuốn tiểu thuyết ấy Anthony Grey đã bỏ ra ba năm trời lục lạo trong các thư viện, trong các văn khố lưu trữ hồ sơ của các quốc gia từng can dự vào chiến tranh Việt Nam. Ông cũng trực tiếp phỏng vấn một số nhân vật đầu não của các phe tham chiến, nên vì vậy mà tác phẩm của ông tuy chỉ là một tác phẩm văn chương song nó giúp cho người đọc hiểu thấu đáo một cách tổng quát những diễn tiến của các biến cố lịch sử liên quan tới nước Việt trong thời cận đại.
Dưới ngòi bút của Grey, các nhân vật có thật của lịch sử và các nhân vật hư cấu của tiểu thuyết hiển lộ như những con người thật bằng xương thịt trước mắt người đọc. Tùy thuộc vào những biến cố lịch sử mà các nhân vật tham dự và cấu thành, mỗi nhân vật có một cá tính riêng, một nhân cách riêng. Ðiển hình cho những nhân vật này ta có thể kể tới các nhân vật do nhu cầu của tiểu thuyết như các thành viên của bốn gia tộc gồm dòng họ Sherman của nước Mỹ, dòng họ Devraux của nước Pháp và gia tộc Ngô Văn Lộc, gia tộc Trần Văn Hiếu của nước Việt. Tính chất di truyền nơi tính tự cao của dòng họ Sherman, Devraux hay nơi lòng thù hận của của các gia tộc họ Ngô và họ Trần có thể được coi là một trong những cái trục chính của toàn bộ cuốn tiểu thuyết Saigon. Bên cạnh những nhân vật của tiểu thuyết là những nhân vật thật của lịch sử như Hồ Chí Minh, một kịch sĩ đại tài, nhất cử nhất động của Hồ đều được tính toán chính xác, đến độ không một khán giả nào có thể biết được con người thật của Hồ Chí Minh. Người đọc cũng nhận thấy sự tráo trở lật lọng nơi những những lãnh tụ cộng sản như Lê Ðức Thọ, cung cách ứng xử trịch thượng của Kissinger, thái độ thụ động của các tướng lãnh Dương Văn Minh và Nguyễn Văn Thiệu.
Là một nhà văn tự học qua trường đời và qua các tác phẩm của những nhà văn đi trước, tôi không học Anthony Grey cách hành văn. Nhưng tôi học được trong tác phẩm Saigon rất nhiều điều về cách sử dụng những chi tiết lịch sử cho một cuốn tiểu thuyết lớn, bao trùm một không gian rộng gồm những biến động xẩy ra tại nhiều quốc gia và trải một thời gian dài suốt hơn nửa thế kỷ.
Sau cùng tôi muốn nói tới những đóng góp của Nguyễn Ước trong Trăng huyết. Kể từ khi văn học Việt Nam chuyển từ văn chương Hán Nôm sang văn chương quốc ngữ đã được hơn một thế kỷ. Trong thời kỳ văn học mới ấy, văn chương Việt Nam, bằng những bản dịch, đã tiếp nhận rất nhiều tác phẩm của các nền văn học khác. Một trong những người tiên phong trong việc phỏng dịch các tác phẩm ngoại quốc có thể kể đến Hồ Biểu Chánh. Một số truyện của tác giả này là những phó bản của các tác phẩm viết bởi các nhà văn Pháp của thế kỷ 19. Ðiều đáng nói là Hồ Biểu Chánh không hề ghi chú rằng ông đã mượn cốt truyện của các tác giả ngoại quốc để chuyển đổi câu chuyện cho phù hợp với đời sống của người Việt ở trên đất Việt. Thời của Hồ Biểu Chánh là giai đoạn đầu của văn chương quốc ngữ. Cũng phải nói ngay là ông có công giúp cho các độc giả người Việt không có khả năng đọc tác phẩm ngoại quốc, có thể cảm nhận được các tác phẩm ấy. Sau Hồ Biểu Chánh một vài thập niên, cũng có một vài tiểu thuyết gia chuyên phóng tác các truyện ngoại quốc, vì nhu cầu của người đọc càng ngày càng tăng, tuy nhiên các cuốn sách này được ghi rõ là phóng tác, và phần lớn nhằm để giải trí cho người đọc hơn là những tác phẩm văn học. Sau cùng là những tác phẩm văn học được dịch đầy đủ với toàn bộ câu chuyện, đã giúp cho người đọc ở Việt Nam tiếp cận thật sự với nền văn học của các nước khác.
Tác phẩm Saigon của Anthoney Grey được hoàn tất năm 1982, với chiều dầy khoảng bẩy trăm trang, khi được Nguyễn Ước tiếp cận vào năm 2000 đã trở thành một cuốn tiểu thuyết khác, với một cái tên khác, là Trăng huyết, có chiều dầy hơn một ngàn trang và khổ sách cũng lớn hơn. Ðể hình thành Trăng huyết, bản thân Nguyễn Ước, theo như ông kể lại ở phần Tái bút, cũng bỏ ra nhiều năm trời sưu tầm, kiểm tra các tài liệu lịch sử và tham quan các địa điểm được dùng làm bối cảnh cho câu chuyện.
Nơi bìa trước của cuốn Trăng huyết, người đọc nhận thấy tên tác giả Anthony Grey ở trên và tên Nguyễn Ước ở dưới. Trong các trang đầu của cuốn sách người đọc bắt gặp lá thư của Anthony Grey gửi cho độc giả của Trăng huyết; ông viết không phải với tư cách của một tác giả cho phép dịch tác phẩm của mình sang một ngôn ngữ khác, mà là đồng thuận việc Nguyễn Ước cùng đứng tên với ông làm đồng tác giả của cuốn Trăng huyết, bởi vì Trăng huyết đã có những đóng góp đáng kể của Nguyễn Ước đến độ Anthony Grey không thể phủ nhận những đóng góp ấy.
Khi so sánh hai cuốn sách, người đọc có thể thấy trong khoảng bốn trăm trang đóng góp của Nguyễn Ước là những bổ túc cần thiết cho nguyên bản Saigon, bởi vì sau hai chục năm tác phẩm này hoàn thành, đã có những tư liệu mới được các văn khố Pháp, Mỹ, Nga, Hoa cho công bố. Ðiều đặc biệt là những gì Nguyễn Ước đóng góp đã đan chặt lại với nguyên bản, như là một tấm lụa được dệt nguyên thủy, chứ không phải là một miếng vải khác đắp vào một tấm lụa bị hư hỏng vài đoạn. Trong Trăng huyết có những đoạn được viết thêm vào trong các chương, hơn thế nữa Nguyễn Ước đã dựng thêm vào một số nhân vật, cũng như đôi khi đã viết hẳn một chương.
Ðiều thứ hai mà tôi bắt gặp trong tác phẩm này chính là chất văn chương trong toàn tác phẩm, dù được viết bởi nguyên bản Saigon của Anthony Grey, hay là bản dịch và sự đóng góp thêm vào trong Trăng huyết của Nguyễn Ước. Cả hai tác giả này đã cho người đọc thấy cách sử dụng ngôn ngữ tuyệt vời trong toàn cuốn sách. Với hơn 1000 trang sách của bộ tiểu thuyết Trăng huyết, Anthony Grey và Nguyễn Ước đã làm được một kỳ công trước đó hầu như chưa một cuốn sách nào đáp ứng được, là gói trọn lịch sử và chiến tranh Việt Nam cận đại của năm chục năm từ 1925 cho tới 1975. Tất cả những biến động lớn nhất xẩy ra cho Việt Nam trong nửa thế kỷ này, được ngòi bút tài ba và tấm lòng ngùn ngụt của hai nhà văn này đúc lại thành một tác phẩm mà bất cứ ai quan tâm tới Việt Nam đều nên đọc.
Sau cùng tôi muốn nói về Trăng huyết, là những gì tôi học được ở Saigon của Anthony Grey qua Trăng huyết với sự đóng góp của Nguyễn Ước là những bài học quý giá cho một nhà văn không được đào tạo bởi trường ốc. Tôi chân thành ngưỡng mộ và cám ơn cả hai tác giả đã cho tôi đọc lịch sử cận đại của nước tôi, trong một cuốn tiểu thuyết hay nhất về chiến tranh Việt Nam.
(Thay lời bạt cho lần tái bản thứ nhất, Nxb Kiến Văn, Washington, 2005. Tên bài do talawas đặt.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét