ĐỜI LỌC LỪA VÀ NHÂN THẾ ĐIÊU NGOA. THÈM MỘT NIỀM TIN ĐỂ ĐỢI ĐỂ CHỜ. ĐỂ HY VỌNG NHƯ NGÀY CHƯA KHÔN LỚN.
Trang
▼
Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011
CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG TRƯỜNG THƠ LOẠN
1.1. Trường thơ Loạn manh nha từ nhóm thơ Bình Định với những tên tuổi như Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên. Đến năm 1936, nhận thấy tính khuynh hướng nổi trội trong sáng tác của từng người, Hàn Mặc Tử đã chủ trương thành lập trường thơ Loạn cùng với Yến Lan, Bích Khê và Chế Lan Viên. Từ đó mà trường thơ Loạn thực hiện cuộc hành trình đi từ âm vang Đường thi đến thung lũng đau thương, tràn bờ sang cả những bóng ma Hời trên tháp Chàm u uẩn, rồi chọn cho mình điểm dừng ở cuộc duy tân của Bích Khê. Trường thơ Loạn đã tạo ra những luồng xung lực trái chiều, con đường để họ gia nhập thi đàn Thơ mới cũng có không ít những chông gai. Kinh qua những bước thăng trầm, trường thơ Loạn vẫn khẳng định được vị trí của mình một cách vinh quang nhất.
1.2. Sự ra đời của cái Tôi cá nhân (individu) là một thành tựu rực rỡ của văn học Việt Nam. Cái Tôi cá nhân chính là hình tượng của chủ thể trữ tình trong tác phẩm thơ. Thông qua cái Tôi, nhà thơ giãi bày tâm tư, tình cảm, thế giới quan, tư tưởng của mình. Nhìn từ góc độ phản ánh luận thì cái Tôi lại chính là đối tượng phản ánh của nhà thơ, là kết quả của sự miêu tả, tự đánh giá, tự ý thức của chính nhà thơ. Đặt trong tương quan với tác giả, cái Tôi của nhà thơ cũng là đối tượng thuộc phạm trù khách thể và được Vũ Tuấn Anh xác định: “Cái Tôi trữ tình vừa là một cách thế nhìn và cảm nhận thế giới của chủ thể, lại vừa là một điểm nhìn nghệ thuật của chủ thể. Đồng thời, cái Tôi trữ tình cũng đóng vai trò sáng tạo, tổ chức các phương tiện nghệ thuật (thể thơ, hình tượng, vần, nhịp…) để vật chất hóa thế giới tinh thần thành một hình thức văn bản trữ tình”([1]). Có thể nói rằng, tiến trình thơ trong lịch sử văn học nói chung luôn luôn đồng hành với sự vận động của các kiểu cái tôi trữ tình. Theo cách diễn giải của G. F. Heeghen, mỗi thời đại đều định hình một kiểu cái tôi văn học riêng: “Mỗi thời đại đều có lối cảm xúc tế nhị hay cao siêu, hay tự do của nó. Tóm lại, mỗi thời đại đều có lối quan niệm riêng về thế giới của nó. Cái này được biểu hiện rõ ràng nhất và hoàn toàn nhất vì tiếng nói dùng để diễn đạt tất cả những gì diễn ra trong tinh thần con người”([2]). Cái Tôi trong thơ thời nào cũng có nhưng khái niệm, nội hàm và sắc thái biểu hiện của cái Tôi qua các giai đoạn văn học là khác nhau. Theo Đỗ Lai Thúy, lịch sử hình thành cái Tôi cá nhân là một tiến trình vận động trải qua các hình thái: “Cái Tôi cá nhân với tư cách vừa là sản phẩm vừa là chủ thể của nền văn hóa mới xuất hiện. Một mặt, nó vừa nối tiếp cái Tôi tập đoàn (hay cái Tôi đại diện) của xã hội cổ truyền đã phát triển qua các hình thái như cái Tôi làng xã, cái Tôi vô ngã Lý- Trần, cái Tôi quân tử và cái Tôi tài tử”([3])
2.1. Cái Tôi của các nhà thơ Loạn bị đẩy vào bờ vực cái chết thì khát vọng sống lại càng trở nên mãnh liệt. Cái Tôi ấy luôn mong manh bên bờ vực cuộc đời trần thế và cõi siêu nhiên. Đó là những đối cực không thể vượt thoát. Thơ Loạn là những vần thơ được viết ra từ những tâm hồn khát sống đến mãnh liệt. Khi cuộc sống bị thu ngắn lại thì họ càng thấm thía giá trị của những khoảnh khắc hiện tại để họ khao khát được sống, được yêu. Càng khao khát thì càng tuyệt vọng, đó chính là những đối cực nhưng lại thống nhất biện chứng trong mạch cảm xúc của các nhà thơ Loạn.
Khi khổ đau lên đến tột cùng, con người thường tìm đến với một vùng trời bình yên trong mơ ước. Chỉ ở đó, họ mới có thể quên đi nỗi đau của mình để sống với trọn vẹn tình yêu, năng lực sống của mình. Song thực tại không bao giờ buông tha họ để cho họ phải điên cuồng hối hả tận hưởng sự sống đang úa tàn dần trước mắt họ. Thơ Loạn bật lên từ cõi chết mà chống lại chính cái chết đang bủa vây. Đôi lúc nó quay về quá khứ nhưng để tìm trong đống đổ nát hoang tàn một mầm sống âm thầm lặng lẽ nhưng xanh mướt vô cùng. Người nghệ sĩ khó kìm nổi mãnh lực của chính mình, bùng cháy nổ tung thành những trang viết toàn những hồn, máu, tủy, những tinh huyết hiến dâng cho đời. Những khi ấy, con người không còn là mình nữa nó phân thân thành một thực thể khác, trong trẻo hơn, tinh khiết hơn để hòa mình vào thiên nhiên, miên man trong cõi huyền diệu.
2.1.1. Trần thế và siêu nhiên là hai đối cực trong thơ Loạn. Từ trần thế chỉ cần với tay nháy mắt, chỉ cần phiêu du một chút, ta có thể lạc ngay vào cõi tiên huyền diệu. Nơi ấy, hạnh phúc hiện hình giữa thời gian vô tận và không gian vô cùng: Lên Kim tinh xác bằng thanh khí/ Đất lưu ly không khí xạ hương/ Cây du dương lâu đài song sóng/ Trên biển châu trời lộn kim cương([4]) (Bích Khê). Trong không gian ấy, cái gì cũng ngất ngây huyền diệu. Không gian như sợi tơ giăng mắc, khẽ chạm đường tơ đã réo rắt những cung đàn. Cõi siêu nhiên được phôi thai trong nỗi cô đơn tuyệt vọng của con người. Cuộc đời dồn đuổi, hạnh phúc lùi xa, cái chết ám ảnh, các nhà thơ Loạn tìm sự hoàn mỹ ở cõi vô thường. Thơ họ là liều thuốc vuốt ve, vỗ về những niềm đau. Nhưng họ luôn rơi vào mâu thuẫn giữa thực tại khổ đau và khát vọng được dung hòa, đưa con người vào nỗi u sầu đến ngất ngư, hối hả đến điên cuồng để bám riết lấy sự sống: Anh đã thoát hồn anh ngoài xác thịt/ Để chập chờn trong ánh sáng mông lung/ Để tìm em đưa hai tay ràng rịt/ Mảnh tình thiêng ngả ngốn giữa không trung (Hàn Mặc Tử). Càng bị đẩy sâu vào khổ đau tuyệt vọng con người lại càng khám phá ra những miền đất hoang sơ với hạnh phúc ngọt ngào. Những chiều kích của tâm hồn con người được thăng hoa tột độ, không phải bằng lý trí, vượt hẳn ra ngoài lý trí để đi vào chiều sâu con người ở thế giới vô thức, đưa con người vào trạng thái mơ hồ lâng lâng, ngây ngất: Lam nhung ô! Màu lưng chừng trời/ Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi/ Vàng phai nằm in ôm non gầy/ Chim yên neo mình nương xương cây/ Đây mùa hoàng hoa, mùa hoàng hoa/ Đông nam mây đùn nơi thành xa (Bích Khê). Họ loãng tan hồn mình để hòa lẫn vào không gian trong trẻo với niềm hạnh phúc vô biên: Chúng ta biến em ơi thành thanh khí/ Cho tan ra hòa hợp với tình anh/ Của trời đất và muôn vàn ý nhị/ Và tình ta sáng láng như trăng thanh (Hàn Mặc Tử). Cõi siêu nhiên đôi khi lại là một thế giới cuồng loạn nơi người nghệ sĩ gửi vào đó những khao khát bị kìm nén, những nỗi tuyệt vọng đến vô cùng:Chiều hôm nay bỗng dưng ta lạc bước/ Vào nơi đây thế giới vạn cô hồn (Chế Lan Viên). Ở đó, người nghệ sĩ có thể thỏa sức gào rú, rên xiết, nức nở khóc than. Họ có thể cười phá lên vỡ òa cả vũ trụ. Nỗi đau có khi nâng cánh người ta lên thiên đường, nhưng có có thể nhấn chìm người ta xuống địa ngục rờn rợn hơi ma, hoảng sợ và đầy mộng mị, ảo giác: Tôi ngồi dưới bến đợi nường mơ/ Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ/ Tiếng rú hồn tôi xô sóng vỡ/ Rung tầng không khí, bạt vi lô (Hàn Mặc Tử).
Thơ Loạn là cõi siêu hình ngập ngụa những máu, đôi khi quay cuồng trong vũ điệu của thần chết, phả ra mùi tanh nồng của thịt rã, xương tan, đôi lúc chan chứa nỗi chán chường không sao cứu vãn nổi. Họ điên cuồng nhảy múa, la hét và cười sằng sặc, bởi họ yêu cuộc sống này đến phát điên, đến rồ dại cả người. Bệnh tật đã dồn đuổi họ ra ngoài lề xã hội, họ đứng bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời. Họ hoảng hốt đi tìm những hình ảnh thân quen, những ánh mắt những nụ cười giờ bỗng nhiên thành xưa cũ, quá khứ lùi lại sau lưng họ, tình yêu thì tan vỡ trong hố thẳm không cùng. Họ tuyệt vọng nên muốn đập phá cả vũ trụ, làm đảo lộn cả càn khôn, muốn quay ngược thời gian trốn mình vào dĩ vãng, vào tình yêu đã mất. Họ nức nở khóc than cho ước mơ đang tan biến từng giờ nên khao khát kiếm tìm sự cảm thông: Hiểu gì không ý nghĩa của trời thơ/ Của hương hoa trong trăng lờn lợt bảy/ Của lời câm muôn vì sao áy náy/ Hiểu gì không, em hỡi! Hiểu gì không? (Hàn Mặc Tử). Ngay cả cái chết cũng không ngăn được tình yêu sống trong họ, thậm chí còn làm cho tình yêu đó thêm thăng hoa thành những giá trị nhân bản nhất. Nỗi đau có lúc nhấn chìm họ quăn quại trong vũng đau thương, có khi lại nâng họ phiêu du giữa chốn cung hằng. Hơn tất cả những gì đang sống họ thiết tha yêu sống, yêu cõi trần tục này. Tình yêu ấy được gửi vào hoa cỏ đất trời vào tất cả những gì gắn bó với cuộc đời. Càng yêu sống họ càng lưu luyến với những tháng ngày đã qua: Để nếm lại cả một thời xưa cũ/ Cả một dòng năm tháng đã trôi qua (Chế Lan Viên). Không được yêu thương ở cõi trần, thi sĩ ngây ngất với các tiên nương ở chốn mộng ảo, đào nguyên ở chính lòng nàng: Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi/ Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi/ Tìm đâu đào nguyên cho xa xôi/ Đào nguyên trong lòng nàng đây thôi (Bích Khê). Quá khứ đã tuột khỏi tầm tay, tình yêu giờ chỉ là muôn năm sầu thảm, dù có ngất ngây với tiên nương nhưng vẫn nhớ thương đến quắt quay một dáng hình nơi trần thế. Những tin yêu ấy họ đã gửi vào những mỗi tình tuyệt vọng giờ lại càng cháy bỏng đến thiết tha. Càng bị phụ rẫy thì con tim lại càng lên tiếng yêu thương: Dẫu đau đớn vì điều phụ rẫy/ Nhưng mà ta không lấy làm đều/ Trăm năm vẫn một lòng yêu/ Và còn yêu mãi rất nhiều em ơi (Hàn Mặc Tử). Dù chỉ còn một chút hy vọng nhưng các nhà thơ Loạn vẫn cứ bám riết vào đời để sống để chắt chiu từng chút hơi ấm tình người. Chốn cung hằng có thể làm dịu mát những cơn đau nhưng chính cõi trần mới là sự níu kéo họ ở lại. Dù cho có lúc chìm vào siêu thực nhưng trên hết họ không muốn rời bỏ cuộc đời để tìm những cái hư ảo, những hình tượng siêu nhiên nhạt thếch. Họ say sưa bắt nắng ngừng, nắng reo, nắng cháy, họ rình nghe niềm ý bâng khuâng. Thơ Loạn đã dìu hồn người tan cùng vạn vật. Được tan vào thiên nhiên là cái khao khát trú ẩn trong cõi vĩnh hằng, là ước mơ được sống khi ý thức về cái chết đang đến từng ngày. Thi sĩ kiếm tìm khắp không gian hương thơm đê mê của cuộc sống. Nếu được sống, dù một phút nhỏ nhoi thôi họ vẫn yêu thương: Ta còn trìu mến biết bao người/ Vẻ đẹp xa hoa của một thời/ Đầy lệ đầy hương đầy tuyệt vọng/ Ôi! Giờ hấp hối sắp chia phôi (Hàn Mặc Tử). Đó không phải là tiếng kêu từ cõi chết, đó là tiếng nói cất lên từ khát vọng sống để yêu thương. Những con người ấy đã sống mãnh liệt và đầy đủ cuộc sống. Có thể có những lúc đau thương, luyến tiếc, hờn giận chất đầy những nhà thơ Loạn đã xa lánh cõi trần tục ấy để đi tìm chút an ủi ở cõi siêu nhiên, song thơ Loạn vẫn lấp lánh tình đời. Chất đời ấy đã kéo thơ Loạn về mặt đất vững chãi, mặt đất quen thân của chính mình. Và cõi đời trần tục ấy, con người đã hận đã yêu, đã quên đã nhớ đến khánh kiệt linh hồn. Bên bờ vực thẳm của cái chết thi nhân đã kêu lên đau đớn sự luyến tiếc của thời gian: Tôi khát vô cùng/ Tôi riết thời gian trong năm tay/ Tôi vo tiếc mến như vo lụa (Hàn Mặc Tử). Thời gian chảy mãi như sông trôi về với biển, đối với các nhà thơ Loạn thời gian không là dòng sông êm dịu nhiều ghềnh, lắm thác, để từ trong nỗi đau một sức sống mãnh liệt dâng trào, tung mình thành bọt trắng để hòa vào đất trời cỏ cây. Có thể cuộc đời còn những vũng đau thương, những mối sầu vạn cổ… nhưng với các nhà thơ Loạn nó vẫn là khúc nhạc Nghê Thường, là giấc mộng ngàn đời để được sống, để được yêu thương. Thi sĩ như thể trích tiên bị đày đọa ở cõi trời nhưng lại yêu thiết tha nơi đã mang đến cho họ những nỗi đau đớn điên cuồng về tâm hồn và thể xác. Dù có trở lại cõi trời thì họ cũng xót xa luyến tiếc: Đấy là tất cả người anh tiêu tán/ Cùng trăng sao bàng bạc xứ say mơ/ Cùng tình em thiết tha như văn thơ/ Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế (Hàn Mặc Tử).
Thơ Loạn là đối cực giữa tình yêu trần thế và cõi siêu nhiên. Thật ra cõi siêu nhiên ở đây được ánh xạ từ cõi thực, từ tình yêu thiết tha của con người đối với cõi thực và làm thăng hoa nó, bao phủ lên nó sắc màu mộng ảo liêu trai tùy vào tư duy của người nghệ sĩ. Nhưng trên hết, thơ Loạn cũng là những vần thơ của tâm hồn yêu đến cuồng dại cuộc sống trần tục cõi đời đã nuôi lớn họ đã ôm ấp và cho họ một tâm hồn để yêu để giận. Thơ Loạn vẫn ăm ắp tình người. Cõi siêu nhiên chẳng qua là cuộc sống đã được những linh hồn nhạy cảm ấy hiểu đến tận cùng. Từ cái phi thường trong cuộc sống đã thúc ép cái phi thường trong từ tưởng từ đó những vần thơ ra đời đầy khát vọng và tình yêu.
2.1.2. Thơ Loạn thể hiện những đối cực giữa khát khao và tuyệt vọng. Thi nhân bước vào vườn tình ái với tất cả sự thèm muốn rạo rực: Anh tính ôm cầm lấy mắt mơ/ Lấy môi lấy má… lấy ngây thơ/ Để anh nút ớn mùi hương ấm/ Của một tình yêu giận hững hờ (Bích Khê); Bóng hằng trong chén ngả nghiêng/ Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình/ Sóng xao mặt nước rung rinh/ Lòng ta khát miếng chung tình từ lâu/ Uống đi cho bớt khô hầu/ Uống đi cho bớt cái sầu mênh mang/ Có ai nuốt ánh trăng ngàn/ Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga/ Đã thèm cái giấc mơ hoa (Hàn Mặc Tử). Các nhà thơ Loạn yêu một cách điên cuồng đến rồ dại bải hoải cả chân tay nhưng lại phải tự kiềm chế vì: Thưa tôi không dám si mê/ Một mai tôi chết bên khe Ngọc Tuyền (Hàn Mặc Tử). Tình yêu đã làm cho thi nhân muốn được kề môi say ân ái, muốn ôm, muốn uống. Tình yêu ấy khi thì như con sóng ngầm có lúc lại dâng trào mãnh liệt: Khoan đã em, nép mình vào bóng lá/ Riết lấy anh cho chặt kẻo hồn bay (Chế Lan Viên). Tình yêu có lúc đẩy thi nhân xuống vực thẳm tuyệt vọng nhưng cũng có lúc làm cho sự sống hồi sinh. Có lúc tình yêu bỏ thi nhân đi để lại nỗi uất ức: Làm sao giết được người trong mộng/ Để trả thù duyên kiếp lỡ làng (Hàn Mặc Tử). Thi sĩ bám riết lấy sự sống lấy tình yêu để quên đi thực tại đau buồn. Chế Lan Viên tự ru mình bằng tình yêu mộng ảo cùng Chiêm nương xinh đẹp, nhưng cũng nhanh chóng tuyệt vọng: Lời chưa dứt bóng đêm đã vụt biến/ Tình chưa nồng đã sắp phải phôi pha. Khát khao để mà tuyệt vọng, tha thiết đến cuồng si để mà đớn đau đến rồ dại, thi nhân thơ Loạn đã vượt qua ngưỡng bình thường mà vươn tới tình yêu tuyệt đích: Hạnh phúc ngoài đời nhiều vẻ đẹp/ Em đừng bận bịu ái ân xưa/ Lòng anh chẳng muốn cho em phải/ Lẻ tẻ chân trời bóng nhạn thưa (Bích Khê).
2.2. Cái Tôi trữ tình trong thơ Loạn không phân ly tuyến tính mà phân lập bản thể một xác thân thành nhiều nhân cách đồng hiện. Cái Tôi trữ tình trong thơ Loạn phân li thành muôn mảnh: xác - hồn – máu – trăng - giai nhân… mà mỗi mảnh vừa là sự thu nhỏ của cái nguyên Tôi vừa là một cái Tôi khác. Thi nhân vừa là con người bằng xương bằng thịt giữa cõi trần lại vừa cùng với những bóng ma Hời sờ soạng dắt nhau đi. Thi nhân là người có thể ngủ trong sao, trốn trong một tinh cầu lạnh lẽo. Hồn thơ đã được đẩy đến một vùng đất lạ, một cõi huyền hoặc mà thi nhân là người phải gánh chịu những cơn đau: Trong thơ ta dân Chàm luôn sống mãi/ Trong thơ ta xương máu khóc không thôi (Chế Lan Viên). Cái nguyên Tôi phân thân thành nhiều dạng thức: là người, là ma, là yêu, là tinh, vẩn vơ giữa hiện tại và quá vãng, thực và mơ, âm và dương, cõi trần và tiên giới trong sự xáo trộn khôn lường. Cái Tôi ấy tự rợn ngợp tách mình: Lụa trời ai dệt với ai căng/ Ai thả chim bay Quảng Hàn/ Và ai gánh máu đi trên tuyết/ Mảnh áo da cừu ngắn nở nang (Hàn Mặc Tử). Trong khát khao và tuyệt vọng, cái Tôi phân ly thành cái Tôi đau thương xác và hồn.
2.2.1. Thân xác quẩn quanh trong bệnh tật và cái chết chỉ có linh hồn là có thể bay lên. Đây là sự vượt thoát mãnh liệt khỏi nỗi cô đơn: Hồn say sưa vào khắp cõi trời Mơ (Chế Lan Viên). Thân xác thì hữu hạn đang bị hủy hoại từng giờ còn linh hồn thì lại khao khát cái tuyệt đích. Xác và hồn rơi vào cuộc quyết đấu: Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi… Hồn đã cấu đã cào đã nhai ngấu nghiến… Day dứt trong cơn đau thân xác đã tự vấn linh hồn: Hồn là ai? Là ai? Tôi chẳng biết/ Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi/ Môi đầy hương không dám ngậm cười/ Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng (Hàn Mặc Tử). Không chịu nổi sự bức bối của nhân gian hồn tìm đến một cõi khác: Cho hồn ta vụt bay lên vòi vọi (Chế Lan Viên). Thân xác càng bị vây hãm thì linh hồn càng thăng hoa đi vào một thế giới đầy trăng, hoa, nhạc, hương: Tôi nhập hồn tôi trong khúc hát/ Để nhờ không khí đẩy lên trăng (Hàn Mặc Tử).
2.2.2. Có khi cái Tôi đớn đau mà tan chảy thành máu. Máu là cái chết, là hội tụ nỗi đau khủng khiếp: Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa/ Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô/ Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra (Hàn Mặc Tử). Thơ Loạn ứa ra những giọt máu phẫn uất đau thương: Máu cuồng vẫn chảy điệu mê tơi… Máu cuồng run khắp trong thân thể…(Bích Khê); Ta sẽ uống máu lan cùng tủy chảy/ Ta sẽ nhai thịt nát với xương khô…(Chế Lan Viên); Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết (Hàn Mặc Tử). Có khi khối đau thương ấy tan ra thành cả một biển máu: Khí ồ ạt như muôn năm không dứt/ Ồ ạt trôi nguồn máu chiến trường xa (Chế Lan Viên); Máu tim ta tuôn ra làm biển cả…Trong lòng và đang tắm máu sông ta (Hàn Mặc Tử). Muốn thoát ra khỏi máu và hồn, cái nguyên Tôi phải trải qua một quá trình sinh nở đầy đau đớn: Ta mửa ra từng búng huyết/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra…Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết…(Hàn Mặc Tử). Riêng trong thơ Bích Khê, cái Tôi phân li thành hồn và giai nhân. Nhà thơ dẫn hồn đến với giai nhân để cùng vui đùa quấn quýt. Cái Tôi phân ly để thăng hoa trong cõi huyền diệu cùng sống với người đẹp trong cõi huyền diệu của lưu ly, ngọc thạch, trân châu, mã não: Nàng ơi! Hồn say trong mơ màng/ Hồn ta? Hay là hồn tình lang? (Bích Khê).
2.2.3. Có khi cái nguyên Tôi ấy phân ly thành trăng với niềm kinh dị. Trăng lan tỏa ánh sáng khắp nơi xen lẫn cả nội tâm và ngoại giới với đầy đủ mọi cung bậc và sắc thái. Trăng trong thơ Loạn vừa lạnh lẽo võ vàng, vừa kì dị ma quái lại vừa mênh mông, êm dịu. Trăng kỳ ảo ma quái: Mở cửa nhìn trăng trăng tái mặt (Hàn Mặc Tử); Tôi muốn ngồi trăng cứ đè tôi xuống (Chế Lan Viên). Trăng biến hóa muôn hình vạn trạng mang theo những ánh sáng kỳ ảo đến lạ thường. Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử là một linh hồn vừa bình dị lại vừa kinh dị: khi nằm sóng soãi, khi choáng váng ngã ngửa, nước hoá trăng, trăng hoá nước…Bóng dáng con người cũng được ánh trăng bao bọc. Có khi trăng cũng trần tục leo song sờ sẫm gối. Hàn có thể nghe được trăng đi, cảm được trăng thở, thấy được con trăng điên cuồng quẫy đạp. Với Bích Khê, trăng ánh lên thứ ánh sáng rực rợ và sang trọng, tinh khiết. Trăng biến thành ngọc: Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành. Trăng là người yêu người yêu là trăng: Lò mò đường lên mây/ Chén trăng vừa tầm với/ Chàng ơi vàng ròng đây/ Kề môi say ân ái. Con người trong thơ Loạn cũng bị trăng hóa như thế: Không gian dày đặc toàn trăng cả/ Tôi cũng trăng và nàng cũng trăng/ Người trăng ăn vận toàn trăng cả (Hàn Mặc Tử). Các nhà thơ Loạn đã thổi hồn vào trăng, nên nó quằn quại trong nỗi đau thể xác của con người. Nó điên, nó kêu gào đến tuyệt vọng, nó tự tử nhưng cũng có lúc dịu dàng làm duyên con gái: Mới lớn lên trăng đã thẹn thò/ Thơm như tình ái của ni cô (Hàn Mặc Tử); Chẳng vang lên ngập suối trăng êm (Chế Lan Viên).
Xác, hồn, trăng trong thơ Loạn phân ly để hòa nhập thành một cái nguyên Tôi kì dị: Xác ta sẽ hút bao nguồn trăng loạn/ Ngấm vào trong cơ thể những hoa hương/ Và sẽ thở ra toàn hơi thở sáng/ Để trên cao hồn khỏi lộn màu sương (Hàn Mặc Tử). Trăng biến ra tất cả những gì tinh túy nhất: Ôi nắng vàng thơm rung rinh điệu ngọc…Màu trăng không gian như gờn gợn sóng (Bích Khê); Ta ngậm hương trăng đầy lỗ miệng….Như bông trăng nở bông trăng nở (Hàn Mặc Tử); Trong nhạc trăng vang nổi khắp cung mây (Chế Lan Viên). Cuộc giằng co giữa khát vọng và hủy diệt đã buộc cái Tôi phải phân thân để vượt thoát những nỗi đau. Sự hoảng loạn đã sản sinh ra một thế giới nghệ thuật kỳ dị. Thế giới trăng của Chế Lan Viên hoang tàn đổ nát với thứ ánh sáng nhợt nhạt và lạnh lẽo để đồng lõa với cái chết: Sương xây mồ bạc dấu trăng vàng. Trăng trong thơ Loạn đẹp lạ lùng và đầy ám ảnh. Nó được người hóa đến tinh vi: trăng ngủ bên đường, trăng ôm niềm tóc bạc, trăng nằm sóng soãi, trăng quỳ sấp mặt, trăng ghì riết làn da, trăng điên, trăng sầu héo hắt, trăng nghiêm nghị…Cái Tôi thơ Loạn phân thân thành những hình tượng đầy ám ảnh với những biến thái tinh vi nhưng thống nhất. Thi nhân khạc hồn ra miệng, ngậm cả miệng trăng để nhả ra vô số gái hồng nhan để rồi òa vỡ thành một thế giới kì dị lẻ loi và chứa đầy bí mật. Thơ Loạn càng tuyệt vọng thì lại càng yêu cuộc sống đến mãnh liệt. Khát khao và tuyệt vọng không chỉ là một tư thế trữ tình mà đã trở thành một dạng thức cảm xúc của cái tôi. Cả hai dạng thức ấy luôn song song tồn tại mâu thuẫn và bổ sung để làm nên sự phức điệu trong cái tôi trữ tình thơ Loạn.
2.3. Định mệnh nghiệt ngã đã xô các nhà thơ Loạn đến với tôn giáo để mở cánh cửa giải thoát khổ đau, tuyệt vọng. Tôn giáo như một sự cứu rỗi một niềm hứng khởi cho thơ ca. Cái Tôi trữ tình trong trường thơ Loạn thể hiện sự hòa hợp đạo và đời. Hàn Mặc Tử hòa hợp được cả Thiên chúa, Khổng giáo và Lão giáo. Chế Lan Viên đi từ yêu Chúa đến yêu Phật. Tôn giáo đã tạo ra một quầng sáng siêu hình và huyền ảo cho thơ Loạn. Cuối đời Bích Khê, Hàn Mặc Tử đều đọc kinh và ngâm thơ. Thơ Loạn là sự hòa hợp giữa nghệ thuật, tôn giáo và cuộc đời.
2.3.1. Nghệ thuật chân chính là nghệ thuật cứu vớt con người, vỗ về những nỗi đau và làm bùng cháy những niềm khát vọng. Và như thế nghệ thuật đến rất gần với tôn giáo. Bích Khê đã tìm đến với Phật giáo như một chốn tựa nương để cứu rỗi linh hồn khổ đau, sầu thảm. Những vần thơ đề trên mộ chí của Bích Khê mang đậm triết lý luân hồi. Tinh anh con người dường như vẫn còn lẩn khuất giữa làn ranh giới hư- thực, sau phút giây thể phách giã từ cõi sống để đến với một thế giới nhiệm màu được mà hồn chàng sẽ cư ngụ trong ánh trăng thanh: Thân bệnh: ngô vàng, mưa lá rụng/ Bút thần: sông lạnh, bóng sao rơi/ Sau nghìn thu nữa trên trần thế/ Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi. Bích Khê có một thời gian dài tiếp xúc với Phật giáo ở Huế, ở Phan Thiết và đặc biệt là ở quê nhà Thu Xà. Bích Khê sớm nhuốm mùi thiền, đặt chân vào địa hạt của Phật giáo một cách hết sức tự nhiên. Nhà thơ chọn cho mình cuộc sống thanh tịnh bên trên núi Thiên Ấn. Ở đó tiếng chuông chùa mỗi buổi chiều về làm tấm lòng thi sĩ được thanh tịnh. Đó là nơi mà chàng có thể tu tâm dưỡng tính, dinh dưỡng tâm hồn. Từ khi phải chịu một trong những “tứ chứng nan y”, cuộc sống bị cái chết dồn đuổi gấp gáp, nỗi tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm thì cõi Niết Bàn đã trở thành niềm ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí Bích Khê. Niết Bàn với chàng là một thế giới “tinh hoa” và “tinh huyết”. Đó là thế giới linh thiêng “Thác là thể phách còn là tinh anh” như quan niệm của Nguyễn Du. Trong thế giới ấy, Bích Khê đắm say cùng hương thơm, thanh sắc và nhạc điệu. Thi ca sẽ đưa chàng đến với thế giới nhiệm màu để hóa giải những niềm đau. Dù nói thế nào đi nữa thì Bích Khê cũng không phải là một tu sĩ. Phật giáo trong cảm nhận của Bích Khê không phải là một tôn giáo khô cứng đơn thuần. Có lần chàng đã giãi bày cùng người bạn thơ là Quách Tấn: “Thiên đường và Niết Bàn theo tôi là những cái tên chỉ một chốn và đạo Phật, đạo Thiên Chúa…là những con đường để đi đến cực lạc và vĩnh cửu đó vậy”([5]). Thế giới mới của nhà thơ là thế giới hoà trộn giữa Thiên đường, Niết bàn và Thiền tông. Đó còn là sự hoà trộn giữa chủ nghĩa tượng trưng phương Tây và Mật tông của Phật giáo trong một thế giới nhị nguyên luận thần bí. Bích Khê hòa nhập bản ngã của mình vào trong cái vô thủy vô chung của tự nhiên để kiếm tìm sự siêu thoát. Trước khi từ giã cõi trần chàng niệm kinh Di Lặc và đợi chờ đức Phật đến đưa mình đi: Ta trên đài Vọng Hải/Chỉ nhượng Phật Như Lai. Với ông, Phật Như Lai chính là vương quốc của mọi sự giải thoát con người khỏi kiếp trần ai. Bích Khê nằm bất động lắng nghe từng tiếng kinh đều đều điểm vào không gian tĩnh lặng của các nhà sư đang tụng để siêu thoát cho mình. Chàng đã được gột rửa lòng trần, bước chân sang cõi vô biên bằng tâm thế thanh thản: Liêu Trai trở lại lánh vòng trần/ Ma phật mơ hồ mộng với thân. Bích Khê cảm nhận thiền vị trong từng hương thơm cây cỏ, trong từng hơi thở của tự nhiên: Mây trắng bay về núi Thạch chưa/ Ngồi bên gò mả nghe chuông vọng/ Chùa ông chim hót ở ngoài mưa/ Sắc cỏ thơm mùi kinh sách xưa. Tuổi thơ đầy thăng trầm với nỗi đau bệnh tật đã khiến cho Bích Khê luôn rơi vào những trạng thái chập chờn nửa mơ nửa tỉnh. Trước bóng đen của lưỡi hái tử thần chàng vẫn không thôi mơ mộng. Chàng vẫn đắm say trước thiên nhiên và ngộ ra những quy luật của vòng luân hồi, để rồi một lần đến với Ngũ hành sơn là một lần đạt đạo để hồi hương quy y cùng Phật Như Lai: Sực nức lò hương xông/ Trập trùng màu xiêm áo/ Lác đác trổ mưa bông/ Phật Như Lai thoạt hiện/ Trên bảy sắc cầu vồng/ Quái thay hòn non nước/ Nghe giảng đủ mười tông/ Muôn năm lòng đá rắn/ Nhuần thấm giọt từ bi. Chế Lan Viên kể lại sự kiện Kinh Di Đà thấm vào hồn mình từ đêm giao thừa 1937. Chế đã khao khát từ bi, hỉ xả để thoát khỏi luân hồi. Điêu tàn đã trở thành một niềm kinh dị ở lối tư duy tôn giáo siêu hình, hòa hợp giữa Phật giáo và Đạo giáo: Ta lắng nghe những thế giới bao la/ Tụ họp lại trong lòng muôn hột cát/Dòng tư tưởng dần trôi trong lầm lạc/ Hồn say sưa vào khắp cõi trời mơ/ Ai kêu ta trong cùng thẳm hư vô. Chịu ảnh hưởng của Thiên chúa khiến Chế Lan Viên ám ảnh đến ngày tận thế: Ngày mai đây muôn loài rồi tan vỡ/ Vũ trụ kia rồi biến ra hư không. Đó là nỗi băn khoăn mang màu sắc triết học, siêu hình về sự tồn tại: Ai bảo giùm ta có, có ta không?
Hàn Mặc Tử đã tự xưng là thi sĩ của đạo quân thánh giá, nhưng vẫn tìm về với Phật giáo: Nhớ khi xưa ta là chim Phụng hoàng/ Vỗ cánh bay trên chín tầng trời cao ngất/ Bay từ Đao Ly đến trời Đâu Suất. Hàn cũng muốn tìm đến nơi Cực Lạc để giải thoát khỏi bến trần ai: Sáng vô cùng sáng láng cả mọi miền/ Không u ám như cõi lòng ma quỷ. Thi nhân lạc vào đạo Phật để thưởng thức những cái đẹp khác thường trong vườn hoa ngập tràn hương sắc. Hàn đã thừa nhận: “Tôi dùng văn chương và triết lý nhà Phật để làm thơ mà thôi. Tôi lợi dụng cả hai thể văn tôn giáo: Thiên chúa và nhà Phật. Đó là muốn làm giàu cho nền văn chương chung”([6]). Theo Trần Thị Huyền Trang, Hàn Mặc Tử là “người ca ngợi thánh nữ đồng trinh Maria và chúa Jesu bằng thơ trước nhất ([7]). Sự tuyệt vọng đã đẩy thi nhân lại gần với Chúa để được đọc kinh và ngâm thơ cho giải tỏa những ẩn ức và khát vọng. Đức mẹ đã rộng mở vòng tay đón nhận Hàn, mở ra lối đi cho tâm hồn chàng trú ngụ. Nhà thơ đã tìm thấy trong kinh thánh những lời giải cho những đau thương. Thơ được chàng đặt ngang với kinh thánh. Trên hành trình thơ, Chúa là nguồn động viên lớn nhất với chàng: Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy/ Cơn lâm nguy vừa trải qua dưới thế…/ Tôi van lơn thầm nguyện chú Jesu/ Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối… Trong cơn đau quằn quại, Hàn Mặc Tử đã tự tìm đến với Chúa để được xoa dịu. Thơ Hàn là dòng hợp lưu của rất nhiều tư tưởng khác nhau: Thiên Chúa, Phật giáo và Đạo giáo. Thảm kịch cuộc đời đã dẫn ông đến với Đạo giáo mong ước được bất tử trong cõi thần tiên. Thơ Hàn không thuộc về riêng một tôn giáo nào nó là một cuộc hôn phối tinh vi. Hàn Mặc Tử đã tôn vinh thơ lên ngang hàng tôn giáo.
2.3.2. Chế Lan Viên bước lên thi đàn với Điêu tàn như hình ảnh một tháp Chàm u huyền ngả bóng xuống cánh đồng thơ Bình Định gây ra bao niềm kinh dị. Khúc ruột miền trung với Đồ Bàn hoang liêu, tháp Chàm bí ẩn và biển khơi vừa mặn mòi vừa vô tâm nhởn nhơ đã khiến Chế rơi vào mặc tưởng triền miên: Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi/ Những đền xưa đổ nát với thời gian/ Những sông vắng lê mình trong bóng tối / Những tượng Chàm rên rỉ khóc than. Điêu tàn của Chế Lan Viên đưa ta vào một không khí Liêu Trai ma quỷ, âm u, huyền bí, nghẹn ngào tiếng khóc than. Thế nhưng, thơ Chế vẫn thấm đẫm chất đời với tiếng pháo nổ rộn ràng vui đón xuân sang, tiếng chim ríu rít trong hương hoa ngào ngạt: Pháo đã nổ đưa xuân về vang động/ Vườn đầy hoa ríu rít tiếng chim trong/ Cỏ non biếc giãi mình chờ nắng rụng…/ Đây, pháo đỏ lập lòe trong nắng chói/ Đây, hoa đào mỉm miệng đón xuân sang. Nhà thơ chỉ mượn chuyện của dân Chàm để ký thác tấm lòng với cuộc đời: Chiêm nương ơi cười lên em hỡi/ Cho lòng anh quên một chút buồn lo. Dù Chế đã quay về dĩ vãng nhưng không phải là quay lưng với cuộc đời: Thu đến đây chừ mới nói năng?/ Chừ đây buồn giận biết sao ngăn/ Tìm cho những cánh hoa đang rụng/Tôi kiếm trong hoa chút sắc tàn.
Nỗi đau thương làm nhói buốt con tim nhà thơ khi chàng phải đối diện với hoàn cảnh trớ trêu của mình. Tôn giáo trong thơ Bích Khê không tách biệt khỏi cuộc đời. Phật bà Quan âm hiện diện ở ngay bên chàng trong hình ảnh của người mẹ và người chị. Nụ cười của người chị đã thăng hoa thành hình ảnh rất đẹp: Lầu ai ánh gì như lưu ly/ Nụ cười ai trắng như pha lê. Như thế, không chỉ có Xuân Diệu mới yêu sống khát sống mà Bích Khê cũng khao khát bám riết lấy cuộc đời đến mãnh liệt. Bích Khê tìm đến Huế trong nỗi khao khát tình đời: Người viễn khách lòng sầu vạn cổ/ Dặm mòn muốn gặp một người quen. Trong thơ Bích Khê, những hình ảnh thực như Ngọc Kiều, Xuân Hương, Huế đa tình… luôn luôn tồn tại. Cho dù phải sửa soạn cho chuyến đi vĩnh viễn nhưng ông luôn khao khát được tắm trong ánh trăng cõi trần: Sau nghìn thu nữa trên trần thế/ Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi.
Yến Lan cho rằng: “Khi nói đến Hàn Mặc Tử, tôi không lướt qua việc giới thiệu anh là một người ngoan đạo làm thơ, nhưng đồng thời cũng làm rõ chất đời trong thơ anh vừa riêng biệt tưởng không hình dung ra nổi, lại vừa rất thực rất chung có thể sờ mó được”([8]). Hàn viết về thánh nữ đồng trinh với lòng thành kính như một con chiên ngoan đạo. Thơ Hàn là tâm sự của một con người về thời thế: Mặc ai khanh tướng công hầu/ Không thèm chung đỉnh lưng bầu gió trăng. Có khi đó là nỗi đau trước cảnh đời cơ cực: Sao tôi thấy cuộc đời máu me lênh láng/ Như bãi sa trường trong lúc hỗn loạn/ Dưới bóng mặt trời đầy rẫy hào quang/ Sao tôi thấy dân chúng lầm than/ Ngán thay! Cuộc đời sống khổ. Gam màu cuộc sống trong thơ Hàn Mặc Tử là bức tranh sinh động. Cảnh quê, tình quê gắn với tre già, nắng mới, vườn cau, gốc đào, vườn cam… và cả bóng hình thôn nữ: Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời/ Bao cô thôn nữ hát trên đồi. Thi nhân yêu tha thiết mùa xuân nhưng bệnh tật đã hủy hoại, cái chết đã gần kề nên sớm rơi vào bi kịch: Này đây nước mắt giọng cười theo nhau. Chất đời đã giúp thi nhân khao khát được cưới xuân, cưới vợ trong xốn xang hạnh phúc. Đạo và đời trong thơ Hàn, như nhận xét của Mã Giang Lân, “vẫn là những mặt nhỏ trên một viên kim cương, mặt này ánh xanh, mặt kia ánh vàng, mặt khác lại tỏa lên ánh đỏ, tím đều làm cho viên kim cương có sức ngời chói lóng lánh”([9]).
3. Cái Tôi cá nhân trong phong trào Thơ mới đã thực sự có những đóng góp to lớn trong việc tạo nên những giá trị nghệ thuật sáng tạo cho thơ, đẩy nhanh cỗ xe văn học Việt Nam lăn bánh trên hành trình hiện đại hóa. Mỗi nhà thơ là một chủ thể bộc lộ cá tính sáng tạo đến tận cùng đường biên giá trị của nghệ thuật. Cái Tôi nội cảm cộng hưởng với cảnh đời riêng, tâm thế sáng tạo riêng đã hình thành kiểu tư duy kỳ lạ của thơ Loạn. Thơ Loạn ra đời dựa trên sự thăng hoa nghệ thuật của những nỗi đau, sự bung phá những giới hạn, sự phân ly và hòa hợp những đối cực, sự hợp lưu của nghệ thuật, tôn giáo và cuộc đời. Thế giới nghệ thuật trường thơ Loạn là ánh xạ đầy biến ảo của những cái Tôi trữ tình đau thương và khát vọng./.
Nguyễn Thị Quyên
(1) Vũ Tuấn Anh: Sự vận động của cái tôi trữ tình và tiến trình thơ ca. Tạp chí Văn học, Số 1- 1996, tr.36.
(2) Trần Đình Sử, Nguyễn Hữu Sơn,…: Vấn đề con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam. Nxb.Văn Học, H, 1997, tr.15.
(3) Đỗ Lai Thúy: Mắt thơ. Nxb.Văn hóa - Thông tin, H,2000, tr.30.
(4) Những trích dẫn thơ chúng tôi đều rút ra từ Lại Nguyên Ân: Thơ Mới 1932 - 1945, tác giả và tác phẩm. Nxb. Hội Nhà văn, H, 1999.
(5) Bích Khê: Tinh hoa, tinh huyết. Nxb. Hội Nhà văn, H, 1995, tr.27.
(6), (7) Trần Thị Huyền Trang: Hàn Mặc Tử- Hương thơm và mật đắng. Nxb. Hội Nhà văn, H, 1997, tr.203; 192.
(8), (9) Mã Giang Lân: Thơ Hàn Mặc Tử và những lời bình. Nxb. Hội Nhà văn, H, 2000, tr. 172; 173.
TÓM TẮT
Cái tôi trữ tình trong trường thơ Loạn thực hiện cuộc hành trình đi từ âm vang Đường thi đến thung lũng đau thương, tràn bờ sang cả những bóng ma Hời trên tháp Chàm u ẩn, rồi chọn cho mình điểm dừng ở cuộc duy tân của Bích Khê. Nó tạo ra những luồng xung lực trái chiều trên con đường gia nhập thi đàn Thơ Mới. Kinh qua những bước thăng trầm, cái tôi cá nhân trong thơ Loạn đã thực sự có những đóng góp to lớn trong việc tạo nên những giá trị nghệ thuật sáng tạo cho thơ, đẩy nhanh cỗ xe văn học Việt Nam lăn bánh trên hành trình hiện đại hóa. Cái tôi nội cảm cộng hưởng với nỗi niềm riêng, tâm thế sáng tạo riêng để hình thành kiểu tư duy kỳ lạ của thơ Loạn. Thơ Loạn thăng hoa trên những nỗi đau, sự bung phá những giới hạn, sự phân ly và hòa hợp những đối cực, sự hợp lưu của nghệ thuật, tôn giáo và cuộc đời. Thế giới nghệ thuật trường thơ Loạn là ánh xạ đầy biến ảo của những cái tôi trữ tình đau thương và khát vọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét